SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Trí tuệ nhân tạo có thể mang lại “mùa xuân cho nhân loại”

[31/01/2020 08:42]

"Trí tuệ nhân tạo cùng với Internet sẽ định hình một nền văn minh mới của nhân loại, sẽ là một xã hội phát triển rực rỡ, nhưng cũng có rất nhiều nguy cơ, hiểm hoạ cần quản trị và chế ngự".

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Nguyên tổng biên tập và người sáng lập báo điện tử VietNamNet, hiện là đồng sáng lập và là giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Duskakis - nơi quy tụ của những nhà lãnh đạo, những nhà tư tưởng hàng đầu thế giới.

Với những đóng góp của mình trong việc đề ra Sáng kiến Xã hội Trí tuệ Nhân tạo (AIWS) và Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo, năm 2019, ông đã được Liên Hợp Quốc mời làm Tổng Biên tập của dự án “Liên Hợp Quốc năm 2045” với mục tiêu đưa ra những ý tưởng về thế giới và Liên Hợp Quốc khi tổ chức này tròn 100 tuổi.

Nhân dịp năm mới, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông về trí tuệ nhân tạo cũng như vai trò của Liên Hợp Quốc trong tương lai với thế giới.

AI sẽ định hình một nền văn minh mới

Thưa ông, gần đây Elon Musk và JackMa có một cuộc tranh luận về tương lai của con người và trí tuệ nhân tạo. Trong đó, Elon Musk đề cập cách Neuralink, một công ty ông đồng sáng lập, giúp thúc đẩy kỹ năng của con người trong tương lai. Musk bất đồng với Jack Ma về việc con người có thể tạo ra những thứ “thông minh hơn chính chúng ta”. Còn với ông, ông nghĩ gì về điều này?

Elon Musk thì lo ngại về nguy cơ do AI đem lại, còn Jack Ma thì lạc quan và có cái nhìn rất tích cực. Tôi có cái nhìn lạc quan, nhưng cũng có những lo ngại về nguy cơ, hiểm hoạ do AI gây ra. Đặc biệt quan ngại khi AI nằm trong tay những nhóm người đầy tham vọng, cực đoan, không bị kiểm soát, dùng AI để vi phạm đến những quyền riêng tư, quyền tự do của công dân.

AI là công cụ đặc biệt, là công cụ thông minh, vào tay người tử tế, được kiểm soát, công khai, minh bạch thì sẽ là mùa xuân tốt đẹp của nhân loại, nhưng nếu vào tay người xấu, tập trung quyền lực, không bị kiểm soát, không công khai, minh bạch, không bị giải trình trách nhiệm thì rất dễ xảy ra nguy cơ lạm dụng AI và gây hậu quả cho nhân loại.

Ông có thể giải thích rõ hơn về cách AI có thể mang lại “mùa xuân cho nhân loại”? AI liệu có thể trở nên nguy hiểm như các bộ phim viễn tưởng - khi con người trở thành nô lệ cho máy móc? 

Trí tuệ nhân tạo cùng với Internet sẽ định hình một nền văn minh mới của nhân loại, sẽ là một xã hội phát triển rực rỡ, nhưng cũng có rất nhiều nguy cơ, hiểm hoạ cần quản trị và chế ngự.

Tự động hoá cao độ sẽ diễn ra trong cả những lĩnh vực tưởng chừng chỉ có trí thông minh, trí tuệ con người và cả những hệ thống hỗ trợ ra quyết định cho các chính phủ, các tổ chức, các công dân, và trong các phân tích, đánh giá. AI sẽ tạo ra một xã hội thông minh, chuẩn mực và công bằng hơn. Tuy nhiên, AI cũng là nguy cơ đe doạ hoà bình, an ninh, xâm phạm quyền con người… như Stephen Hawking đã cảnh báo. 

Vậy nên thế giới cần có một chuẩn mực chung cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tránh những rủi ro tiềm tàng, trong đó có “Khế ước Xã hội Trí tuệ Nhân tạo”?

Nhân loại đã có Khế Ước Xã Hội từ thế kỷ 18, nhưng thế giới hôm nay với sự ra đời của kinh tế số, kinh tế dữ liệu, kinh tế trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, đòi hỏi phải có những bổ sung, từ đó cần có một Khế Ước Xã Hội Mới cho thời đại trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật. Nó cần thiết vì đó là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh, tiên tiến ứng dụng sâu rộng trí tuệ nhân tạo, có kiểm soát để ngăn chặn những tác hại do trí tuệ nhân tạo đem đến, để thế giới có hoà bình, an ninh cần có cơ chế kiểm soát 7 nhánh quyền lực trong thời đại trí tuệ nhân tạo: 1. Chính Phủ, 2. Quốc Hội, 3. Toà án, 4. Doanh nghiệp, 5. Tổ chức xã hội công dân, 6. Công dân, 7. Trợ lý Trí Tuệ Nhân Tạo.

Khế Ước Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo 2020 tạo ra những chuẩn mực, tạo ra cơ chế vận hành, quản trị, kiểm soát quyền lực của 7 nhánh này trên cơ sở công khai, minh bạch, phục vụ công dân, phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của công dân, tạo điều kiện để công dân tham gia trực tiếp vào mọi mặt đời sống chính trị, xã hội với sự trợ giúp thông minh của trí tuệ nhân tạo, sẽ góp phần tạo ra một thế giới tốt đẹp, văn minh. Đây chính là nền tảng cho một nền dân chủ mới, “Dân Chủ Thông Minh”.

Nhóm Dự Án Liên Hợp Quốc 2045 quy tụ được những nhà lãnh đạo, những nhà tư tưởng xuất sắc, tôi may mắn và khiêm nhường được làm việc trong dự án này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn trình bày Khế Ước Xã hội Trí tuệ Nhân tạo và Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo tại Hội nghị Riga 2019.

Dự Án Liên Hợp Quốc 2045, sẽ lấy những chuẩn mực, nguyên lý nền tảng của Khế Ước Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo 2020 để khuyến nghị thế giới năm 2045. Phải xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực, đặc biệt là phải xây dựng mô hình mới cho Liên Hợp Quốc trên cơ sở những chuẩn mực văn minh, và vai trò, vị trí, tiếng nói của mỗi quốc gia cần được thiết lập trên cơ sở đóng góp của quốc gia đó vào việc gìn giữ những giá trị chuẩn mực văn minh, hướng nhân loại đến một thế giới hoà bình, an ninh, phồn vinh.

Cùng với vai trò của các chính phủ, các nhà nước thì vai trò của các nhánh quyền lực như Doanh nghiệp, Tổ chức xã hội công dân, công dân, Trợ lý Trí Tuệ Nhân tạo trên toàn cầu cũng phải được xác lập, có vai trò, có tiếng nói trên cơ sở những chuẩn mực giá trị văn minh chung của thế giới năm 2045. Nhóm chúng tôi cũng chỉ đóng góp khiêm tốn và chắc còn nhiều nhóm khác cũng tư duy, suy nghĩ và có những cống hiến về tương lai của thế giới, của Liên Hợp Quốc.

Tôi nhớ tháng 3/2019, có bài báo đã gây tranh luận về Chính phủ trí tuệ nhân tạo chấm điểm công dân, mặc dù chưa nghe ông nói, hay phát biểu chính thức về việc này, cũng như chưa được đọc nội dung chính thức của nhóm tác giả về vấn đề này, tiện đây ông có thể giới thiệu về Chính Phủ Trí Tuệ Nhân Tạo? Chính Phủ Trí Tuệ Nhân Tạo có chấm điểm công dân không?

Cám ơn bạn đã nêu vấn đề này. Tôi khẳng định nhóm sáng kiến chúng tôi chưa bao giờ có ý tưởng chính phủ chấm điểm công dân. Những nguyên lý về Chính Phủ Trí Tuệ Nhân Tạo chỉ nhằm phục vụ tốt nhất công dân, và phải bị công dân giám sát. Chính phủ Trí Tuệ Nhân Tạo là chính phủ có hệ thống thông minh hỗ trợ ra quyết định và phục vụ công dân.

Chúng tôi có ý tưởng là đãi ngộ, vinh danh những công dân có cống hiến cho xã hội.

Và việc đánh giá cống hiến là do công dân tự gửi những đóng góp, và do tổ chức xã hội công dân tự làm, công khai, minh bạch và mọi công dân có thể kiểm tra, giám sát, chính phủ không tham gia mà chỉ có trách nhiệm, có những chính sách đãi ngộ và kêu gọi xã hội đãi ngộ công dân có cống hiến cho xã hội. Chúng tôi gọi là Khen Thưởng Giá Trị Xã Hội.

Bên cạnh Chính Phủ AI là Công dân AI. Nguyên lý về Công dân AI: các công dân được tham gia vào các quyết định chính trị xã hội với sự trợ giúp của các hệ thống thông minh, và có thể coi đây là những ý niệm về một nền Dân Chủ Thông Minh.

Việt Nam cần có chiến lược đột phá đặc biệt

Có nhận định cho rằng trí tuệ nhân tạo là cuộc chơi của những nước lớn - những nước có nền công nghệ đã rất phát triển và rất khó cho những đất nước như Việt Nam có thể tham gia, ông nghĩ gì về điều này?

Điều này không chỉ Việt Nam lo ngại mà ngay cả các nước Châu Âu cũng đang lo ngại rằng cuộc chơi này chỉ có Mỹ, Trung Quốc sẽ giành lợi thế và hưởng lợi. Nhưng cần thấy rằng cơ hội vẫn mở ra cho các nước như Việt Nam. Việt Nam cần có chiến lược đột phá đặc biệt. Để không bỏ lỡ cơ hội lớn này Việt Nam cần có hệ thống quản trị, vận hành thông minh để mọi công dân được bình đẳng cơ hội và có thể phát huy cao nhất khả năng của mình.

Theo ông, Việt Nam nên làm gì để bắt kịp với tiến bộ công nghệ thế giới, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo ở cấp độ Nhà nước và cả những cá nhân?

Việt Nam cần ứng dụng rộng và sâu công nghệ trí tuệ nhân tạo vào mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là trong quản lý, điều hành, ra quyết định của quốc gia. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống chính trị, quản trị thông minh, để có thể phát huy, khơi dậy năng lực của mọi công dân, để mọi công dân được bình đẳng cơ hội phát triển, được bình đẳng cơ hội tham gia vào mọi hoạt động của đời sống chính trị, xã hội. Đó chính là phát huy sức mạnh tổng lực của toàn dân tộc trong xây dựng, và bảo vệ Tổ quốc. Đây chính là nền tảng để ứng dụng và phát huy cao nhất hiệu quả của các hệ thống Chính phủ trí tuệ nhân tạo, Công dân trí tuệ nhân tạo.

Ông Nguyễn Anh Tuấn và Giáo sư Alex Sandy Pentland (Đại học MIT) trình bày Khế Ước Xã hội Trí tuệ Nhân tạo 2020 tại Hội nghị Liên minh Lãnh đạo Thế giới tại Madrid, tháng 10/2019.

Các cá nhân cần có phương pháp tư duy mới, có cách nhìn nhận đúng về chuẩn mực giá trị của thời đại trí tuệ nhân tạo. Năng lực sáng tạo, hiểu biết về thế giới, về những giá trị tinh hoa văn hoá của nhân loại, biết sử dụng các công cụ để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo là hành trang quan trọng cho mỗi công dân của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

Mạng Sáng Tạo Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo (AIWS Innovation Network) quy tụ hơn 100.000 các nhà lãnh đạo, các nhà tư tưởng, các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên thế giới, đặc biệt là từ các nước thuộc nhóm G7, nhóm các nước văn minh OECD, từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Thưa ông, vậy Việt Nam có thể hưởng lợi gì từ Mạng Sáng Tạo Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo?

Một trong những điểm đặc sắc, ưu việt nổi trội là Mạng Sáng Tạo Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo có nguồn lực đông đảo, rộng khắp các học giả, các chuyên gia, các nhà sáng tạo công nghệ, các nhà chiến lược hàng đầu từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Các bộ, ngành, tỉnh thành phố, các doanh nghiệp, các trường đại học ở Việt Nam có thể tìm thấy những nguồn nhân lực tinh hoa, đỉnh cao mà Việt Nam đang thiếu cho tổ chức, cho các dự án của mình, có những nguồn lực trí tuệ, sáng tạo hàng đầu này, cùng với một cơ chế thông minh, năng động và những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, có khát vọng, Việt Nam sẽ cất cánh bay lên. 

Xin cảm ơn ông! 

Ông Nguyễn Anh Tuấn là đồng sáng lập và là giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Duskakis – nơi quy tụ của những nhà lãnh đạo, những nhà tư tưởng hàng đầu thế giới.

Năm 2017, ông Nguyễn Anh Tuấn cùng với Thống đốc Michael Dukakis và các giáo sư Đại học Harvard và Đại học MIT đã cho ra đời Sáng kiến Xã hội Trí tuệ Nhân Tạo (AIWS). Sáng kiến đã nêu lên những tư duy, nguyên lý để xây dựng một nền dân chủ mới với sự ứng dụng rộng rãi và sâu sắc của trí tuệ nhân tạo như Chính phủ Trí tuệ Nhân tạo, Công dân Trí tuệ Nhân tạo.

Ngày 12/12/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn cùng các giáo sư của Đại học Harvard, MIT sáng lập Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo AIWS Innovation Network (AIWS-IN) tại Đại học Harvard, buổi lễ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo như Cựu Thống đốc , Cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Michael Dukakis,  Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Taro Kono, các giáo sư hàng đầu của Đại học Harvard, Đại học MIT, Mạng AIWS-IN được Bang Massachusetts và Trung tâm Khoa học kết nối, Đại học MIT bảo trợ.

Minh Anh

http://khampha.vn (ntptuong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ