SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến một số ngành công nghiệp của Việt Nam

[11/02/2020 19:40]

Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 diễn ra với tốc độ nhanh theo cấp số nhân đang làm thay đổi bối cảnh toàn cầu và có tác động ngày một gia tăng đến Việt Nam, cả tác động tích cực và bất lợi. Tuy nhiên, trong trung hạn, nhiều lao động, đặc biệt là lao động ít kỹ năng có thể sẽ bị ảnh hưởng do quá trình tự động hóa đang tăng tốc ở các nước phát triển. Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến hơn và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Trong trường hợp ngược lại, khoảng cách phát triển với các nước đi trước sẽ tiếp tục gia tăng.

Nhóm ngành năng lượng

Ngành dầu khí

Ngành dầu khí của Việt Nam hiện nay đang chịu áp lực rất lớn, trước tiên là do sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Việc đầu tàu của kinh tế thế giới “ngốn nhiều năng lượng và nguyên vật liệu” này chạy chậm lại ảnh hưởng mạnh đến các ngành dầu khí và khai thác tài nguyên. Một nguyên nhân khác mang tính căn bản và có tác động dài hạn hơn là do có những đột phá trong lĩnh vực năng lượng (khai thác dầu đá phiến, sản xuất năng lượng tái tạo, ắc quy trữ điện) và vận tải (ô tô điện với chi phí sản xuất và giá giảm nhanh, kinh tế chia sẻ như Grab…), nhu cầu đối với dầu thô khó có thể tăng mạnh.

Ngành điện

Ở Việt Nam những năm gần đây phát sinh nhiều vấn đề môi trường liên quan đến nhiệt điện cũng như thủy điện. Với những đột phá trong công nghệ điện mặt trời cũng như điện gió, ngành điện cần xem xét khả năng tận dụng các tiến bộ công nghệ để đạt được cơ cấu phù hợp nhằm nắm bắt cơ hội tốt nhất để giảm giá đầu vào chiến lược của nền kinh tế, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường, cũng như gia tăng sự công bằng xã hội.

Nhóm ngành dệt may - giày dép và công nghiệp điện tử

Đây là nhóm ngành mà Việt Nam sẽ phải chịu tác động mạnh nhất từ cuộc CMCN 4.0 vì cơ chế lan truyền tác động của công nghệ trong kinh tế toàn cầu rất nhanh thông qua kênh xuất nhập khẩu do bản chất thương mại quốc tế cao của nhóm ngành này.

Ngành dệt may - giày dép

Ở Việt Nam, ngành dệt may đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, một phần lớn nhờ đơn hàng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc theo chiến lược “Trung Quốc + 1” (chuyển dịch các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh chi phí lao động đang tăng nhanh tại quốc gia này) của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi nhanh chóng với đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm mạnh và khách hàng yêu cầu giảm giá đáng kể.

Ngành công nghiệp điện tử

Ngành điện tử trong những năm gần đây có những tiến bộ vượt bậc nhờ sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu. Các tập đoàn này đã thực hiện chiến lược “Trung Quốc + 1”, dịch chuyển các nhà máy đến những địa điểm gần với Trung Quốc (để tận dụng được ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển ở Trung Quốc cũng như hướng vào thị trường tiêu thụ khổng lồ với tầng lớp trung lưu có quy mô lớn nhất nhì thế giới). Với lợi thế tương đối về lao động giá rẻ và vị trí địa kinh tế rất thuận lợi, Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ quá trình này, là ngôi sao đang lên trong con mắt các nhà bình luận quốc tế nhờ xuất khẩu điện tử tăng mạnh.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Nguyễn Thắng -Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam, Số 12 năm 2019 (trang 14-16)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ