SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Những vấn đề KH&CN cần ưu tiên thực hiện trong xây dựng nông thôn mới sau năm 2020

[11/02/2020 19:57]

Trong thời gian qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) nói riêng đã có những đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Các kết quả của Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM đã cung cấp nhiều nội dung có giá trị, từ cơ sở lý luận, cơ chế, chính sách, đến các mô hình ứng dụng KH&CN hiệu quả để tăng thu nhập cho nông dân, đáp ứng tiêu chí số 10 trong xây dựng NTM... Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới KH&CN cần tập trung ưu tiên giải quyết những vấn đề công nghệ chế biến sau thu hoạch, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường nông nghiệp...

Những vấn đề KH&CN cần ưu tiên thực hiện:

Nghiên cứu để bảo đảm an ninh lương thực và thực phẩm: ở giai đoạn hiện tại, an ninh lương thực về số lượng chưa phải là vấn đề lớn đối với Việt Nam vì chúng ta vẫn là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Tuy vậy, việc gia tăng dân số trong điều kiện biến đổi khí hậu sẽ làm cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm ngày càng khó khăn. Hơn nữa vấn đề an ninh lương thực và thực phẩm hiện nay đã mở rộng, bao gồm cả an ninh dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Đây là các thách thức lớn đối với Việt Nam và các chương trình KH&CN về giống và kỹ thuật nuôi trồng, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý hệ thống thực phẩm bền vững để duy trì và phát triển sản xuất nông nghiệp bảo đảm an ninh và an toàn thực phẩm cần được quan tâm ở tầm quốc gia.

Nghiên cứu về rau quả: tổng giá trị xuất khẩu nông sản toàn cầu là 1.036 tỷ USD năm 2016, trong đó giá trị xuất khẩu rau quả đạt 237 tỷ USD (chiếm đến 22,9%), hạt ngũ cốc và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc là 149,2 tỷ USD (chiếm 14,4%). Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng rất nhanh, năm 2016 là 2,46 tỷ USD, năm 2017 đạt 3,45 tỷ USD (tăng 40,5% so với năm 2016) và năm 2018 đạt 3,52 tỷ USD. Điều này cho thấy, dư địa xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn rộng mở, mới chỉ chiếm 1,04% tổng giá trị xuất khẩu rau quả toàn cầu năm 2016. Đồng thời, cũng cho thấy tiềm năng về KH&CN và các điều kiện để phát triển ngành rau quả ở nước ta còn rất lớn, cần được tiếp tục đầu tư nghiên cứu trong giai đoạn tới để nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc (xuất khẩu chính ngạch) và các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU…

Nghiên cứu về thủy sản: xuất khẩu thủy sản năm 2016 của Việt Nam đạt 7,05 tỷ USD, chiếm 5,14% giá trị thủy sản xuất khẩu toàn cầu. Năm 2018 đạt 9,01 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2017, tăng 20% so với năm 2016 và tăng 38,5% với năm 2015. Như vậy, tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu thủy sản của chúng ta rất lớn và ngành thủy sản cần được tiếp tục đầu tư nghiên cứu để nâng cao năng suất, chất lượng nhằm duy trì tăng trưởng và bảo đảm phát triển bền vững.

Nghiên cứu về nông nghiệp dược liệu, thực phẩm chức năng: theo thống kê của Viện Dược liệu, đến nay Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: sâm Ngọc Linh, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ…

Nghiên cứu về công nghệ sau thu hoạch: với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 và chuyển đổi số: nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, còn gọi là công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.

Nghiên cứu xử lý các vấn đề về môi trường nông nghiệp và sinh thái nông nghiệp: môi trường canh tác nông nghiệp đang bị thu hẹp và hủy hoại nghiêm trọng. Tài nguyên đất, nước và không khí bị ô nhiễm hóa học và chất thải nghiêm trọng. Ô nhiễm hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long cần được ngăn chặn kịp thời. Đây là vấn đề sống còn của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Cần ưu tiên đầu tư nghiên cứu và quản lý nguồn nước ngọt để bảo tồn khả năng sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

Nghiên cứu cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Nghiên cứu phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị (Value chain) và quản trị hệ thống thực phẩm (Food system).

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả PGS.TS Trịnh Khắc Quang - Ban chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM, PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam, Số 12 (trang 21-24)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài