Phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Trên thế giới và tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều quốc gia bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội, từ thay đổi cán cân quyền lực kinh tế, đến cả quân sự và chính trị. Để đảm bảo tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, đem lại thịnh vượng cho quốc gia, bên cạnh việc tận dụng hiệu quả những thành tựu phát triển của công nghệ AI và tự động hóa, các nước cần đưa ra những giải pháp phù hợp cho tiến trình chuyển đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Thực trạng phát triển AI tại Việt Nam
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ AI - một mũi nhọn được dự báo sẽ trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới.
Gần đây rất nhiều hội thảo, hội nghị khoa học đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Chính phủ, các bộ, ngành, với sự tham gia của các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế. Qua đó, Lãnh đạo Chính phủ đã đưa ra quan điểm về việc đẩy mạnh triển khai AI, coi AI là một công nghệ cho mục đích tổng thể, là công nghệ “nguồn” dẫn dắt năng suất quốc gia; phát triển AI là hướng đến một xã hội an toàn và văn minh, đưa kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển; AI có khả năng trở thành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới, cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tháng 10/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia với mục tiêu phát triển thành công những ý tưởng công nghệ sáng tạo mang tính đột phá của người Việt, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Bên cạnh những nỗ lực của Nhà nước, AI đã và đang được các tập đoàn, công ty như FPT, Viettel nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực (y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử...
Một số gợi mở trong phát triển AI
-Một là, việc tối đa hóa phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng công nghệ AI cần căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia.
-Hai là, vấn đề chuyển đổi và đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ ứng dụng AI và tự động hóa sẽ cần một giải pháp đồng bộ giữa nhà nước - doanh nghiệp - đại học.
-Ba là, vấn đề an sinh xã hội cần phải được đặc biệt quan tâm đối với lực lượng lao động trong những ngành nghề bị ảnh hưởng mạnh mẽ của AI và tự động hóa.
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả GS.TSKH Hồ Đắc Lộc, PGS.TS Huỳnh Châu Duy - Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh.
Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam,Số 1+2 (trang 27-31)