Mùa xuân, trí tuệ nhân tạo và cuộc sống được lập trình
Trí tuệ nhân tạo đang là cuộc chơi hấp dẫn cho những gã say mê công nghệ trong những ngành công nghiệp khổng lồ.
Thật may mắn khi những thành tựu công nghệ đang giúp chúng ta kiến tạo cho mình một cuộc sống thêm tiện nghi.
Vào những năm cuối thập kỷ trước, tương lai trước mắt của các loại xe điện bừng sáng. Cả thế giới phương Tây, người ta ra rả bàn về xe điện, ai cũng tin rằng dù con đường phía trước có gian truân, khó khổ cỡ nào, sự tiến bộ kỹ thuật sẽ dần dần khắc phục được mọi trở ngại, các hãng xe chắc chắn sẽ chinh phục thị trường.
10 năm đã trôi qua, mọi thứ đã thay đổi, các hãng xe đã có kẻ cay đắng bỏ đi, có người hăm hở nhảy vào. Điển hình là Faraday Future từng nhảy vào với mẫu mã đẹp y chang xe của James Bond nhưng đành nuốt hận phá sản, Jaguar Etype kiểu dáng xe cổ siêu sang với máy nhanh “như điện” thì chết tức tưởi, trong khi BMW, Mercedes nhảy vô cuộc chơi với những khai thác đầy bất ngờ...
Nhưng, cho đến giờ phút này, không một ai có thể phủ nhận bậc thầy chế tạo xe điện hiện nay, hãng Tesla của người sáng lập đa tài, lập dị Elon Musk.
Ở Mỹ, nơi tôi ở (Houston, Texas) không phải là quá khó để lái thử - gọi là “test drive” một chiếc Tesla. Bạn chỉ cần vào website của Tesla đăng ký test drive qua email. Nhân viên Tesla sẽ email bạn một cách chu đáo, hẹn bạn ngày, giờ đến showroom và yêu cầu bạn đem bằng lái đến để cho bạn cơ hội lái thử.
Trước khi đến cầm lái chiếc Tesla, tôi đã từng hâm mộ Tesla, từng ngưỡng mộ kiểu dáng xe mang đầy nét khoa học viễn tưởng, từng mơ màng sở hữu một chiếc xe thần thánh chạy điện thân thiện môi trường, từng xuýt xoa khi nghĩ mình có thể sở hữu chiếc xe với hệ thống điều khiển tự động “auto pilot” không cần người lái mà vẫn an toàn bậc nhất, đi đến nơi về đến chốn.
Ngày chạy thử xe Tesla rồi cũng đến: số trời run rủi thế nào, tôi được hẹn chạy thử xe đúng sáng mồng 1 Tết. Thì năm mới, trải nghiệm mới vậy. Thủ tục vô cùng nhanh gọn, chỉ trong 10 phút, tôi đã được một anh salesman Mỹ trẻ tuổi đẹp trai, tên Tim, đưa đi xuống hầm nơi đậu la liệt những chiếc Tesla mới cáu.
Anh bấm remote, một chiếc xe 7 chỗ không người lái chạy ra từ trong góc, thật ngầu. Chúng tôi được anh dặn dò tỉ mỉ, xe này chạy 100% bằng điện nên không cần đạp thắng, chỉ cần giảm chân ga, không có điện, xe tự động đứng lại. Anh ngồi bên cạnh, dạy tôi chỉnh kính, hướng dẫn làm quen các màn hình trong xe. Xin nói thêm là tôi đang thử chiếc Tesla model X performance long range.
Cảm giác đầu tiên khi tôi ngồi vào trong xe là mình đang được lái “tên lửa” - vì mọi thứ chung quanh quá hiện đại. 1 chiếc thẻ đút vào để nổ máy, màn hình cảm ứng để mở cốp. Thêm một miếng kính dài bao quanh xe từ đầu xe đến từ cuối xe lên mui xe bằng kính, cả chiều dài từ trước ra sau chỉ là một miếng kính cực đẹp làm tầm nhìn của người lái thực sự mở rộng.
Anh Tim tự hào giới thiệu “Xe Tesla có rất ít nút bấm cần gạt so với các xe khác, nên điều chỉnh gì bạn đều phải dùng cái màn hình to như TV này, ví dụ như chỉnh điều hòa thì phải thì nhờ giao diện trên infotainment hay hỏi bằng giọng nói cho xe nó chỉnh, chứ không có nút bấm. Đây cũng là bộ não chính của xe để xử lý các tác vụ hậu cần, có thể coi là một trong những phần thông minh nhất của chiếc xe này, trừ việc tự lái. Vì nó rất thông minh nên tất yếu là rất phức tạp, nên bộ não này được thiết kế để nó có thể chết mà cả chiếc xe vẫn chạy bình thường. Não này được cập nhật thường xuyên như Apple cập nhật iphone nên dù chiếc xe có 4-5 tuổi, bộ não vẫn tươi mới, hiện đại”
Chúng tôi chầm chậm ra phố. Anh Tim gợi ý chạy ra khỏi thành phố để thử xe trên xa lộ cao tốc. Tôi yêu cầu anh cho thử lái chế độ auto pilot, lái hoàn toàn tự động. Anh nhìn tôi, nửa tin nửa ngờ “cô có chắc mình thích như vậy không?” Tôi gật đầu. “Vậy mình thử đi.”
Tôi đạp ga để xe vọt lên, không tin vào mắt mình: trong vòng 6 giây tốc độ xe đã lên 100km. Tôi ngó nghiêng nhìn chung quanh qua khung kính bóng lộn, giờ trưa, xa lộ 610 của Houston các làn xe dày đặc, vì xe bằng kính nên các xe chung quanh có vẻ gần tôi hơn.
Anh Tim hỏi tôi “cô sẵn sàng chưa? Cô muốn cách xe trước 5 hay 6 chiều dài xe thì cô bấm vào đây này”. Tôi bấm vào màn hình, thả tay ra, hồi hộp, wow, thật không tin vào mắt mình: chiếc xe tự động lái các bạn ạ. Vận tốc tôi chọn là 70 dặm một giờ, xe thong thả lái, uốn lượn giữa dòng lưu thông tấp nập.
Dưới đường các vạch trắng vừa được các bác công lộ xoá đi vẽ lại, tôi lo lắng không biết xe có nhận ra... thế mà Tesla X “của tôi” vẫn theo làn vạch mới chạy bon bon. Xe đang ngon trớn... Đột nhiên một bạn làn xe bên cạnh lái cắt đầu, tôi hơi run, định chụp tay lái nhưng Tim nhìn tôi không nói không rằng chỉ hơi mỉm cười. Thế là tôi bình tĩnh trở lại, vẫn giữ tay trên đùi: xe tôi đúng là xe thông minh, biết giảm nhẹ tốc độ nhường đường, sau đó giảm tốc tí nữa để giữ khoảng cách 5 thân xe..
Tôi lái chiếc xe quay lại showroom mà trong lòng hết sức thoả mãn. Đúng là một chiếc xe quá hoàn hảo.
Tim cho biết, chiếc xe long range này có thể chạy 500km không cần sạc pin. Nếu mua, tôi sẽ được chính phủ trợ cấp cho một số tiền nhỏ gọi là khuyến khích sử dụng năng lượng sạch. Đúng là xe Tesla chỉ dùng phân nửa năng lượng trái đất. Tôi nhẩm tính với số tiền $25 xăng cho 300 miles giờ tôi chỉ tốn $12 để sạc điện, quá tiết kiệm. Tesla còn các tiện ích khác, không phải tốn các chi phí thay nhớt, bảo dưỡng, không phải thay filter... tôi quá lời khi chuyển qua xe điện.
Bạn tôi ở California đang sở hữu một chiếc Tesla. Anh kể anh từng bị cảnh sát “vịn” vì lái chế độ tự động khi say xỉn, anh nằm ngủ trong ghế tài xế, cảnh sát lấy làm lạ đi theo quay đèn rất lâu mà Tesla không biết để dừng lại, chủ nhân thì vẫn đang ngủ khì, anh cảnh sát phải theo xe và bạn tôi về tới nhà. Dù không gây tai nạn, dù anh có cãi là “xe lái, tôi có lái đâu”, thì anh vẫn bị thẻ phạt vì lái xe khi say rượu. Đúng là pháp luật dù là pháp luật Mỹ vẫn không thể theo kịp công nghệ.
Một bạn khác của tôi thì đang chần chừ mua Tesla bèn làm vài cái ngâm cứu nho nhỏ. Chị ngỡ ngàng phát hiện ra thay vì dùng dầu hoả để chạy xe truyền thống, Tesla dùng than đá để chạy điện, vậy cũng đâu có giúp ích gì hơn cho trái đất.
Dù lượng CO2 xe điện thải ra chỉ bằng nửa xe chạy xăng, xe Tesla cũng không hoàn toàn vô hại vì nó sử dụng lithium và cobalt để sản xuất pin - những nguồn này cũng không phải là vô tận và dễ tìm trên thế giới. Trong khi 80% xe phế thải truyền thống tái sử dụng được, Tesla sau này khi thành xe phế thải lại khó sử dụng vì lượng pin thải ra môi trường cực kỳ tàn hại trái đất.
To buy or not to buy, that’s the question? - Mua, không mua, đó là vấn đề!
Nghĩ đến cảm giác được làm “phi hành gia” khi ngồi trong Tesla X, tôi không khỏi bồi hồi.
Nhưng nhớ đến chức năng “auto pilot", tôi lại hơi rùng mình: chức năng này được cài vào xe, được lập trình bởi các chuyên gia công nghệ thông tin. Mà cái gì được lập trình bởi người khác là tôi hơi run. Bởi số phận của mình được phó thác trong tay người khác.
Ví như, xe đang chạy bình thường, bất thình lình có một vụ đụng xe liên hoàn giữa xe tôi và 6 chiếc khác, và quyết định tính toán cho xe tôi bay lên không trung để cứu 6 người kia và tôi ra đi, hay là cho tôi sống để 6 người kia chết, trong tích tắc ấy, bản lập trình sẽ chọn phương án nào. Phương án có lợi cho sự sinh tồn của chủ xe hay là phương án giải cứu nhân loại? Câu trả lời là... không ai biết.
Mùa xuân với những cơn gió mơn man nhè nhẹ đang đến. Và trong tôi lại đầy lên những suy nghĩ, những trăn trở về công nghệ, về trí tuệ nhân tạo trong cuộc chạy đua từ chính trí tuệ con người. Đã có những câu hỏi đặt ra, liệu trong tương lai, máy móc sẽ lập trình, sẽ quản lý hết cuộc sống thường ngày của chúng ta, khiến chúng ta thành nô lệ của công nghệ. Rồi lúc đó loài người sẽ ra sao? Tôi không có câu trả lời.
Nhưng thôi, mùa xuân đang hiện hữu này. Sao chúng ta không tận hưởng những tiện ích tuyệt vời từ công nghệ, để rồi từ đó lập trình cho cuộc sống của mình thật bình an, ngay từ giây phút này đi?
Lâm Vân An