Xây dựng nhãn hiệu nhằm phát triển một số sản phẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020
Ngày 14/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1062/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.
Ảnh minh họa.
Trong đó có nội dung hỗ trợ quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5740/KH-UBND ngày 28/7/2017 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1062/QĐ-TTG ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Căn cứ các Thông tư số: 17/2017/TT-BKHCN ngày 29/12/2017 Quy định quản lý về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và Thông tư số 14/2019/TT-BTC ngày 15/3/2019 Quy định về Quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, cuối năm 2019, Sở cũng đã tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 90/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019.
Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong xu thế chung của thị trường hiện nay đòi hỏi mỗi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng, vì vậy công tác xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu cho nông sản nói chung và các sản phẩm truyền thống nói riêng luôn được ngành KH&CN quan tâm thực hiện.
Các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề truyền thống mang tên địa danh, đặc biệt là các sản phẩm ẩm thực nổi tiếng trước đây vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống, thủ công, ít thay đổi về bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, cùng với đó, chưa có biện pháp để quản lý và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nên chưa bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Mặt khác, các sản phẩm gắn thương hiệu của các làng nghề hiện nay còn trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng đã ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng và uy tín của các làng nghề trong tỉnh, làm hạn chế và kìm hãm sự phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều làng nghề dần mai một.
Vì vậy, ngay từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh, Sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các địa phương có sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề gắn với địa danh để giúp các cá nhân, tổ chức xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm.
Thực hiện Chương trình, từ năm 2016 đến nay, Vĩnh Phúc chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu cho các nông sản thế mạnh, toàn tỉnh hiện có trên 10 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa, điển hình như: Ổi Đôn Nhân, Bánh tẻ Tứ Yên (huyện Sông Lô); Tương Làng Tiên (huyện Lập Thạch); Rau Su su, Trà hoa vàng, Cao ba kích, Na dai Bồ Lý (huyện Tam Đảo); Tương Khả Do (Thành phố Phúc Yên), Bánh hòn Hương Canh (huyện Bình Xuyên); Bưởi Vĩnh Tường (huyện Vĩnh Tường); Dưa chuột An Hòa (Tam Dương).
Từ các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, chỉ được biết đến ở những vùng lân cận hoặc trong tỉnh, nay, các sản phẩm trên đã trở thành những sản phẩm du lịch, được nhiều người biết đến và tìm mua sau khi đặt chân đến quê hương Vĩnh Phúc. Thực tế chứng minh, các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh Vĩnh Phúc sau khi đăng ký quyền bảo hộ SHTT, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh, tác động mạnh mẽ đến giá trị và uy tín của sản phẩm, giá bán của các sản phẩm có xu hướng tăng.
Các sản phẩm sau khi được đăng ký bảo hộ SHTT đã được quảng bá, truyên truyền rộng rãi, mang đi tham dự nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, đã có những thay đổi tích cực về thương hiệu và giá trị, nâng cao uy tín, danh tiếng sản phẩm. Khi lưu thông trên thị trường các sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ đã tuân thủ theo quy trình gắn nhãn mác, bao bì chặt chẽ, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc; đồng thời đáp ứng những tiêu chí nhất định trong quy trình sản xuất, từ đó luôn bảo đảm chất lượng và gia tăng số lượng hàng tiêu thụ, đem lại lợi nhuận cao hơn cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề.
Để duy trì và phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng, ngoài việc các tổ chức, cá nhân, đơn vị được cấp nhãn hiệu tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm, các cơ quan chức năng liên quan cần:
Thứ nhất, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; Xác định phạm vi địa lý bảo hộ của sản phẩm; Xây dựng cơ sở khoa học và các tài liệu, hồ sơ cần thiết phục vụ việc xác lập quyền SHTT đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý.
Thứ hai, quản lý, khai thác hiệu quả và phát triển quyền SHTT cho các sản phẩm mang tên địa danh. Xây dựng các quy trình khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm; xây dựng quy chế sử dụng tem, nhãn, mã số, mã vạch, bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm…
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm mang tên địa danh. Xây dựng các phương tiện, công cụ nhằm quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh cho các tổ chức sử dụng, quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý như: Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm, in ấn thử nghiệm hệ thống nhận diện thương hiệu phục vụ cho công tác giới thiệu, tuyên truyền, quản lý và sử dụng nhãn hiệu; Xây dựng website, duy trì, cập nhật thông tin hình ảnh cho website sản phẩm…
Thứ tư, gắn kết xây dựng quy hoạch phát triển nghề, làng nghề các sản phẩm nông nghiệp với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch làng nghề. Đưa các sản phẩm mang tên địa danh vào chương trình phát triển du lịch, tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các điểm du lịch, điểm trưng bày sản phẩm.
Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý như tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 90/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 nhằm có cơ sở hỗ trợ cho việc đăng ký bảo hộ, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ, trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 90/2019/NQ-HĐND. Cùng với việc hỗ trợ tổ chức quản lý và quảng bá hiệu quả, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn, thân thiện với môi trường, sản phẩm đưa vào lưu thông sẽ bảo đảm được những tiêu chí về chất lượng, được gắn bao bì nhãn mác, mã số, mã vạch theo những quy cách được quy định và chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ... sẽ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng giá trị, thúc đẩy sản phẩm tham gia tốt hơn vào thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.