SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nông nghiệp 4.0 với kinh tế hộ - Những vấn đề cần tháo gỡ

[28/02/2020 10:12]

Nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng chịu tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Song trên thực tế, việc ứng dụng các công nghệ cao, tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối, tạo ra các mô hình sản xuất hiện đại, thông minh ở nước ta còn rất ít. Với xuất phát điểm thấp, chủ yếu là kinh tế hộ nhỏ, còn chưa đạt được tiêu chí nông nghiệp 3.0, do vậy để phát triển nông nghiệp 4.0 (nông nghiệp tiếp cận với Cách mạng công nghiệp 4.0) chúng ta cần có lộ trình, chính sách thích hợp.

Nhận diện các yêu cầu của nông nghiệp 4.0 ở nước ta

Thuật ngữ nông nghiệp 4.0 thể hiện mức độ tiên tiến của phương thức sản xuất. Nó hiển nhiên phải là nông nghiệp thông minh, số hóa, chính xác, nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, nông nghiệp kết nối rộng...

Xét ở nền tảng an toàn và bền vững, nông nghiệp 4.0 trước hết đòi hỏi các lĩnh vực và công đoạn sản xuất phải ứng dụng các quy trình công nghệ tiên tiến, tuần hoàn, thuận thiên, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên, vật tư đầu vào, giảm thiểu sử dụng phân bón, thuốc hóa học, giảm phát thải CO2, cho năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường và con người.

Xét ở khía cạnh thông minh, nông nghiệp 4.0 đòi hỏi các hoạt động sản xuất phải được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị, dựa vào hệ thống thiết bị hiện đại có thể đưa ra những quyết định một cách thông minh và tự động, không cần sự có mặt trực tiếp của con người. 

Xét ở khía cạnh hiện đại, nông nghiệp 4.0 đòi hỏi phải ứng dụng những thiết bị thông minh. Chúng đủ khả năng giám sát các điều kiện sản xuất, cảnh báo, ra quyết định điều hành, thực hiện cơ giới hóa các công đoạn sản xuất, đánh giá kết quả… Các nhóm thiết bị gồm các loại cảm biến (nhiệt độ, độ ẩm, màu sắc, hóa sinh…); thiết bị thừa hành, kiểm soát môi trường (thắp sáng, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, điều tiết nhiệt độ và các yếu tố môi trường khác); máy công tác cơ giới hóa đồng bộ, chất lượng cao, giảm tổn thất, tiết kiệm năng lượng. Đương nhiên không thể thiếu các thiết bị kết nối đầu cuối, phần cứng, phần mềm số hóa các công việc quản lý, điều hành.

Hướng giải quyết các vấn đề trong phát triển nông nghiệp 4.0 ở nước ta

Trước hết, cần có quy hoạch phát triển nông nghiệp 4.0 của cả nước và từng địa phương, chọn những khu vực sản xuất, loại nông sản cụ thể được ưu tiên và có chính sách hỗ trợ đúng hướng. Trong đó quan tâm đầu tư đi trước một bước cho khoa học và công nghệ (KH&CN).

Hai là, cần thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất trên diện rộng. Quy mô sản xuất nhỏ đang là rào cản đối với ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa đồng bộ; không đủ sức chi phí quy hoạch, cải tạo đồng ruộng để ứng dụng công nghệ thông minh. Phát triển gia trại, trang trại là hướng đi cần khuyến khích của kinh tế hộ.

Ba là, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuỗi thông minh theo đúng nghĩa nông nghiệp kết nối rộng. Hiện nay tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi chưa thực sự phát triển. Việc hình thành liên kết ngang, tái cơ cấu hợp tác xã (HTX) chưa đủ mạnh. Để khắc phục những hạn chế trong liên kết chuỗi hiện nay, một mặt cần nâng cao nội lực, vị thế của kinh tế hộ bằng mở rộng quy mô như nêu trên, nâng cao trình độ mọi mặt của nông dân; mặt khác cần đổi mới, nâng cấp các tổ chức của nông dân như HTX, tổ hợp tác.

Bốn là, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ giữ vai trò then chốt trong liên kết chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ, mà còn đi trước về sản xuất nông nghiệp hiện đại, thông minh, làm bàn đạp lan tỏa nông nghiệp 4.0. 

Năm là, thúc đẩy nghiên cứu đi trước một bước, chuyển giao, nhân rộng ứng dụng công nghệ tiên tiến, thông minh, công nghệ tích hợp phù hợp với điều kiện thực tế, đặc tính cây con, bám sát dự báo thị trường.

Sáu là, tạo lập các nền tảng, đưa công nghệ tin học ứng dụng sâu rộng trong nông nghiệp, bao gồm hệ thống điều hành thông minh; hệ thống cơ sở dữ liệu gắn với dự báo thị trường.

Bảy là, đào tạo “nông dân thông minh” (chủ hộ, chủ trang trại, quản lý HTX…). Hiện nay chất lượng lao động nông thôn còn thấp, mới chỉ có 14,3% được qua đào tạo (so với 38,0% tại đô thị) (6); năng lực, trình độ mọi mặt của người nông dân còn hạn chế, đa số các chủ thể kinh tế hộ chưa vươn tới tầm sản xuất hàng hóa lớn, chưa chuyên nghiệp, thiếu năng lực tiếp cận thị trường. 

Tám là, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp. Hiện nay, tổng đầu tư xã hội cho nông nghiệp còn rất thấp, mới chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm, trong đó 50% là ngân sách nhà nước, 16,7% là của doanh nghiệp. Nhà nước cần tăng đầu tư phát triển nông nghiệp hiện đại tương xứng với vai trò, đóng góp của nông nghiệp, giảm nhanh khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và đô thị. Đây cũng là xu thế tất yếu đang diễn ra trên thế giới .

Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam (phuong tuong
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài