SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển công nghệ chế tạo các thiết bị thay thế trong các nhà máy thủy điện nhỏ

[28/02/2020 10:57]

Tính đến nay, các dự án thủy điện (DATĐ) vừa và nhỏ đã hoạt động được gần 15 năm, bắt đầu bước vào giai đoạn thay thế thiết bị hoặc mở rộng nhà máy. Trong khoảng thời gian đó sẽ có hàng trăm dự án mới được xây dựng với nhu cầu lớn về hệ thống thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, ngành chế tạo thiết bị công nghệ thủy điện nhỏ ở nước ta vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu thị trường. Để ngành chế tạo thiết bị thủy điện nhỏ trong nước phát triển và cung cấp kịp thời các sản phẩm thay thế cho các nhà máy thủy điện cần có những giải pháp đồng bộ, từ chính sách của Nhà nước đến sự tham gia đổi mới cách làm của các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp chế tạo.

Một vài nét về thủy điện nhỏ ở Việt Nam

Nhìn chung các DATĐ nhỏ hoạt động hiệu quả, cung cấp điện năng cho đất nước, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau nhiều năm vận hành các dự án này đã gặp phải các vấn đề như: i) Hiệu quả phát điện: nhiều dự án phát không đủ công suất thiết kế, không tận dụng hết tiềm năng thủy năng; ii) Giải pháp công trình chưa tính hết thay đổi của môi trường: chất lượng nước kém, lẫn nhiều cát làm cho bồi lắng lòng hồ nhanh và thiết bị nhanh hỏng; rất nhiều rác mà thiết bị vớt rác thông thường không giải quyết được...; iii) Thiết bị công nghệ lạc hậu, nhanh xuống cấp. Thời gian dừng máy sửa chữa, thay thế thiết bị lâu, ảnh hưởng đến lượng điện phát ra của nhà máy; thiếu đơn vị tư vấn chuyên sâu về xử lý công trình cũng như thiết bị...

Cho đến nay hàng trăm nhà máy thủy điện nhỏ (đã vận hành được 5-15 năm) bắt đầu vào giai đoạn đại tu, mở rộng công suất. Do đó rất cần thiết bị thay thế, dịch vụ sửa chữa. Điều tra cho thấy, gần đây xu hướng mua sắm của các nhà đầu tư thủy điện về thiết bị như sau: i) Đối với nhà máy đang hoạt động, cần đại tu sẽ thay thế thiết bị hư hỏng bằng thiết bị trong nước sản xuất, tiến tới nâng cấp thiết bị, tăng cường giám sát từ xa bằng hệ thống Scada; ii) Đối với mở rộng công suất nhà máy cũ hoặc xây dựng nhà máy mới, chủ đầu tư sẽ nhập khẩu một số thiết bị chính và mua thiết bị trong nước sản xuất.

Như vậy, đến năm 2030 ước tính Việt Nam sẽ có hơn 700 nhà máy thủy điện nhỏ vận hành. Trong khoảng thời gian đó sẽ có hàng trăm dự án sẽ phải đầu tư mới hệ thống thiết bị công nghệ. Hàng năm sẽ có hàng chục nhà máy phải đại tu, thay thế thiết bị và nâng cấp mở rộng. Về giá trị kinh tế, thị trường thiết bị thủy điện nhỏ ước tính sẽ cần đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp chế tạo vừa và nhỏ của Việt Nam có thể tham gia chiếm lĩnh thị trường thiết bị này ngay trong giai đoạn 10 năm tới.

Giải pháp phát triển công nghệ chế tạo thiết bị thay thế cho nhà máy thủy điện nhỏ

Một là, Nhà nước cần tăng cường đầu tư, có cơ chế thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị phục vụ cho các nhà máy thủy điện, đồng thời khuyến khích các nhà máy thủy điện thay thế, đổi mới thiết bị để nâng cao hiệu quả phát điện. Hỗ trợ cho vay vốn từ nhiều nguồn, với lãi suất ưu đãi để mua thiết bị trong nước sản xuất...

Hai là, đối với các đơn vị nghiên cứu cần hoàn thiện các quy trình công nghệ chế tạo; thiết kế tích hợp thiết bị đạt tiêu chuẩn; nghiên cứu công nghệ vật liệu theo kịp trình độ thế giới; xây dựng đơn vị tư vấn thiết bị để cung cấp cho nhà máy thủy điện các giải pháp về thiết bị, làm cầu nối giữa đơn vị chế tạo và khách hàng là các nhà máy thủy điện. Đồng thời đề xuất, tham gia hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn, quy phạm về chế tạo thiết bị thủy điện, hệ thống thiết bị điện trong nhà máy thủy điện nhằm kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước, tiến dần ngang bằng với tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới.

Ba là, đối với các doanh nghiệp chế tạo trong nước phải xây dựng bằng được mối quan hệ hữu cơ, trên nền tảng chia sẻ chuỗi giá trị, lợi nhuận với các đơn vị nghiên cứu thiết kế công nghệ thủy điện. Chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ chế tạo thiết bị thủy điện tiên tiến hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ của các hãng chế tạo thiết bị thủy điện nước ngoài; xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng để sản phẩm có độ tin cậy, tiến tới ngang bằng thế giới. Chủ động tiếp cận các nhà máy thủy điện để tìm hiểu nhu cầu của khách hàng; tham gia các cuộc hội thảo, các hội trợ xúc tiến giới thiệu các sản phẩm thuộc ngành năng lượng.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả TS Phạm Phúc Yên - Phó Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo.

Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ