Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản trị logistics và chuỗi cung ứng của Việt Nam
Nghiên cứu do các tác giả Hồ Thị Thu Hòa và Bùi Thị Bích Liên - Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM thực hiện nhằm giúp cho các hệ thống minh bạch, mạnh mẽ và ít phụ thuộc hơn vào các bên trung gian nhờ việc truy xuất nguồn gốc một cách rõ ràng, dễ dàng hơn khi truy cứu trách nhiệm trong chuỗi logistics.
Ảnh minh họa: Internet
"Blockchain là một sổ cái kỹ thuật số không lỗi của các giao dịch kinh tế có thể được lập trình để ghi lại không chỉ giao dịch tài chính mà còn gần như tất cả mọi thứ có giá trị". Blockchain là sự kết hợp giữa ba loại công nghệ: Mật mã học, mạng ngang hàng và lý thuyết trò chơi mà ở đó dù đứng ở góc độ kinh doanh, kỹ thuật hay xã hội thì Blockchain đều dùng để lưu trữ lịch sử các giao dịch và thiết lập niềm tin giữa các thành viên trên nguyên tắc đồng thuận trong một hệ thống mạng hàng ngang, dữ liệu lưu trữ đồng nhất. Blockchain có ba phiên bản chính: Blockchain 1.0-Tiền tệ và thanh toán, Blockchain 2.0-Tài chính và thị trường, Blockchain 3.0-Thiết kế và giám sát hoạt động.
Trong lĩnh vực logistics, các công ty như Maersk hay Walmart đang nghiên cứu theo dõi một lô hàng di chuyển dưới dạng kỹ thuật số và ai cũng có thể xác minh được.
Ngày nay có một lượng đáng kể giá trị bị mắc kẹt trong logistics, do tính phân tán và cạnh tranh của ngành. Ví dụ trong ngành bán lẻ, có hàng trăm bước để biến nguyên liệu thô thành sản phẩm cuối cùng, với số lượng lớn các bên tham gia vào chuỗi cung ứng, sẽ tạo ra tính minh bạch thấp, quy trình không chuẩn hoá, dữ liệu ngầm và ứng dụng công nghệ không đồng nhất. Bốn tính năng chính tạo ra sự khác biệt vượt trội của Blockchain so với các công nghệ phần mềm quản lý tập trung hiện nay là: Tính minh bạch về dữ liệu, Tính bảo mật, Quản lý các tài sản kỹ thuật số và Các hợp đồng thông minh.
Bởi vì tính chất mới mẻ của Blockchain nên nhiều công ty logistics chưa mạnh dạn mạo hiểm đầu tư vào. Bên cạnh những cơ hội tiềm năng để phát triển thì có rất nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp, một mặt cần phải bỏ tiền đầu tư để nâng cao vị thế cạnh tranh, nhưng mặt khác cũng chưa có kết quả ứng dụng rõ ràng nên Blockchain chỉ mới ở một vào bước đầu tiên của tảng băng lợi ích.
Việt Nam ngày càng có nhiều startups làm về Blockchain. Trong lĩnh vực logistics, Blockchain hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng. Cụ thể là việc truy xuất nguồn gốc của hàng hoá, theo dõi hàng hoá đang ở đâu trong toàn bộ quy trình, truy cứu trách nhiệm liên quan đến tổn thất hàng hoá của các bên trong chuỗi cung ứng hàng hoá từ khâu đầu vào đến điểm tiêu thụ cuối cùng.
Tạp chí Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải 2018 (nnttien)