Công nghệ Blockchain: Mở ra nhiều xu hướng mới cho tương lai
Bài viết do TS Lê Đình Sơn - Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng thực hiện nhằm giúp người đọc có cái nhìn khái quát về công nghệ blockchain - một nền tảng công nghệ được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực và đầy hứa hẹn, mang tới một kỷ nguyên số trong nền kinh tế chia sẻ.
Ảnh minh họa: Internet
Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào để thay đổi được nó.
Blockchain ra đời gắn liền với nguồn gốc của bitcoin - sản phẩm đầu tiên sử dụng công nghệ blockchain. Cụ thể là, trong thương mại điện tử, người dùng phải phụ thuộc vào các tổ chức trung gian, như ngân hàng, các cổng thanh toán online… uy tín để xác nhận giao dịch. Nhưng trong cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, nhiều vụ bê bối, gian lận tài chính quy mô lớn bị phanh phui, khiến nhiều người dân sụp đổ niềm tin đối với các tổ chức trung gian này, trong đó có Satoshi Nakamoto - cha đẻ của bitcoin. Để tạo ra cơ chế trung gian uy tín, rõ ràng, minh bạch, năm 2008 ông đã nghiên cứu và phát minh ra blockchain, đồng thời hiện thực hóa thành công nghệ lõi cho đồng tiền kỹ thuật số bitcoin. Do đó, không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới, khi nhắc tới blockchain nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn với bitcoin và ngược lại. Tuy nhiên, hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau.
Công nghệ blockchain là sự kết hợp giữa 3 loại công nghệ: i) Mật mã học: Sử dụng khóa công khai (public key) và hàm băm (hash function) để đảm bảo tính minh bạch, toàn vẹn và riêng tư; ii) Mạng ngang hàng: Mỗi một nút trong mạng được xem như một máy trạm (client) và cũng là máy chủ (server) để lưu trữ bản sao ứng dụng; iii) Lý thuyết trò chơi: Tất cả các nút tham gia vào hệ thống đều phải tuân thủ luật chơi đồng thuận (PoW, PoS…). Ở góc độ tài chính, có thể coi blockchain là một sổ cái kế toán, một cơ sở dữ liệu chứa đựng tài sản, hay một cấu trúc dữ liệu dùng để ghi chép lại lịch sử giao dịch giữa các thành viên trong hệ thống mạng ngang hàng; trên góc độ kỹ thuật đó là một phương thức bất biến để lưu trữ lịch sử các giao dịch tài sản; trên góc độ xã hội đó là cách thức dùng để thiết lập niềm tin bằng quy tắc đồng thuận giữa các thành viên trong một hệ thống phân cấp.
Tuy blockchain có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống, nhưng mặt trái là đồng tiền bitcoin lại có khả năng ẩn danh trong các giao dịch, tạo điều kiện cho giới tội phạm trên toàn cầu khai thác để thực hiện các giao dịch phi pháp như mua ma túy, chuyển tiền xuyên biên giới trái quy định, mua vũ khí, tài trợ khủng bố, rửa tiền... Đây cũng là vấn đề được chính phủ các quốc gia trên thế giới quan tâm và đưa ra những chiến lược quản lý khác nhau cho đồng tiền này, gồm: (i) Cấm trên diện rộng (Việt Nam, Bangladesh, Bolivia, Ecuador, Kyrgyzstan…); (ii) Cấm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng (Trung Quốc, Nigeria…); (iii) Cảnh báo rủi ro đối với người sử dụng, đầu tư (Anh, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan…); (iv) Chấp nhận như một phương tiện thanh toán (Nhật Bản, Argentina). Chúng ta cần chủ động nghiên cứu về công nghệ blockchain và những ứng dụng khả thi của công nghệ này trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ blockchain thông qua xây dựng hành lang pháp lý.
Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam 2018 (nnttien)