Điều chế hạt nano vàng sử dụng chất khử trong lá trà định hướng ứng dụng trong mỹ phẩm
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Ngọc Khánh Anh, Nguyễn Thị Diễm Hương và Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện.
Hạt nano kim loại vàng là cụm gồm các nguyên tử vàng, có kích thước ba chiều đều ở cấp độ nanomet (khoảng 1-100 nm). Nano vàng có rất nhiều ứng dụng trong thực tiễn. Trong lĩnh vực y học nhờ kích thước tương tự như tế bào và khả năng tương thích sinh học cao, các hạt nano vàng được dùng để cảm biến và lắp vào ADN, dẫn truyền thuốc, phân tích tế bào, phát quang tạo ảnh sinh học, phát hiện và góp phần trị bệnh ung thư.
Kết hợp các nguyên tắc của hóa học xanh vào kĩ thuật nano là một trong những lĩnh vực nghiên cứu đang được phát triển của khoa học nano ngày nay. Vì vậy, các phương pháp bền vững, thân thiện với môi trường trong tổng hợp các hạt nano ngày càng được quan tâm. Đó là phương pháp sử dụng các hóa chất không độc hại, dung môi thân thiện với môi trường, vật liệu có thể tái tạo để tránh các tác dụng phụ. Một phương pháp thực nghiệm thân thiện với môi trường, kinh tế và đơn giản để tổng hợp các hạt nano vàng sử dụng lá trà trong dung môi nước ở nhiệt độ phòng được tiến hành trong nghiên cứu này nhằm mục đích đưa phương pháp hóa học xanh vào tổng hợp nano.
Phương pháp này chỉ trải qua một bước, tránh được việc sử dụng thêm các chất bề mặt và chất bảo vệ. Cụ thể, hạt nano vàng (AuNPs) được tổng hợp bằng phản ứng giữa tetrachloroauric (III) acid (HAuCl4) và dịch chiết lá trà ở nhiệt độ phòng. Trong phản ứng này, các polyphenol có trong dịch chiết lá trà đóng vai trò là tác nhân khử đồng thời cũng là chất ổn định. Quang phổ hấp thụ UV-Vis được sử dụng để xác nhận sự hình thành hạt nano vàng trong dung dịch sau phản ứng. Thành phần pha, hình thái bề mặt và kích thước của hạt nano vàng được xác định bằng kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) và nhiễu xạ tia X (XRD). Dung dịch nano vàng sau đó được phối trộn vào kem nền cho kết quả không kích ứng da với hàm lượng vàng trong kem là 7,55 ppm.
Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT, Tập 54, Số 7A (2018)