SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khả năng kháng oxy hóa và bảo vệ tế bào MIN6 tụy tạng của dịch trích methanol lá xoài non (Mangifera indica L.)

[01/03/2020 21:14]

Nghiên cứu được các tác giả Nguyễn Thị Ái Lan và Đái Thị Xuân Trang (Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện.

Lá xoài (Mangifera indica L.) thường được sử dụng để chữa các bệnh như: ho, sốt và trị lành các vết thương. Cây xoài được xem là một loại dược liệu quan trọng vì chứa hàm lượng lớn hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học như: polyphenol, terpene, polyalcohol, acid béo, đường, ligin…

Thành phần hóa học của lá xoài được xác định gồm: saponin, glucoside, sterol không bão hòa, pholyphenol, acid euxanthin, mangiferin, mangin, galic và tanin. Trong đó, mangiferin là một xanthonoid có nhiều tác dụng sinh học đang được quan tâm như: hoạt tính kháng viêm, chống dị ứng, kháng oxy hóa.

Lá xoài non (LXN) có tiềm năng rất lớn để trở thành nguồn dược liệu quý. Vì vậy, trong nghiên cứu này lá xoài non được nghiên cứu khả năng điều trị bệnh đái tháo đường thông qua giá khả năng kháng oxy hóa, kháng stress mạng nội chất ở tế bào tụy tạng.

Khả năng bảo vệ tế bào β tụy tạng khỏi sự phá hủy bởi stress mạng nội chất của dịch trích lá xoài non (Mangifera indica L.) được thực hiện in vitro trên tế bào MIN6. Sự chết của tế bào MIN6 được gây ra do tunicamycin ở nồng độ 5 µg/mL, sau 24 giờ ủ ở điều kiện 37o C và 5% CO2. Khả năng gây độc đối với tế bào MIN6 của dịch trích lá xoài non (LXN) được khảo sát ở nồng độ từ 50 đến 500 µg/mL ở điều kiện ủ 37o C và 5% CO2 trong 48 giờ. Khả năng bảo vệ tế bào MIN6 của dịch trích LXN cũng được khảo sát.

Kết quả khảo sát cho thấy, ở các nồng độ khảo sát LXN không gây độc tế bào MIN6 trong 48 giờ. Nồng độ dịch trích LXN có khả năng bảo vệ tế bào MIN6 khỏi sự chết bởi stress mạng nội chất tốt nhất là 500 µg/mL. Bên cạnh đó, thí nghiệm đã chứng minh dịch trích LXN có hiệu quả kháng oxy hóa. Kết quả khảo sát khả năng kháng oxy hóa bằng phương pháp trung hòa gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH), khử sắt (RP) và 2, 2'-azinobis-(3- ethylbenzothiazoline-6-sulfonic acid) (ABTS•+) có giá trị EC50 lần lượt là 27,64 ± 0,88; 12,11 ± 1,15 và 45,7± 0,50 µg/mL. Kết quả chứng minh, LXN có tiềm năng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường theo cơ chế kháng oxy hóa và bảo vệ tế bào β của tụy tạng khỏi sự chết bởi stress mạng nội chất.

Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT, Tập 54, Số 7A (2018)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ