SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sự thay đổi tính chất hóa lý của quả thanh trà theo độ tuổi thu hoạch

[01/03/2020 21:58]

Nghiên cứu do các tác giả Tô Nguyễn Phước Mai, Nguyễn Hải Âu, Lê Ngọc Dương và Trần Thanh Trúc (Khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng, Trường Đai học Cần Thơ) thực hiện.

Thanh trà, tên khoa học là Bouea macrophylla (hay Bouea gandaria Blume, Bouea burmanica Griff.) thuộc họ đào lộn hột Anacardiaceae (Siripanuwat et al., 2012). Thanh trà được biết đến là một loài trái cây rất tốt cho sức khỏe, cung cấp một lượng lớn vitamin C, tiền vitamin A, ngoài ra còn có vitamin B1, B2, B3…; các chất khoáng nổi bật với hàm lượng lớn kali, đồng thời với hàm lượng sắc tố màu carotenoid lớn được biết đến với công dụng chống oxy hóa. Ngoài ra, thanh trà còn có các tác dụng khác như giảm cholesterol trong máu, giúp tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân...

Nghiên cứu này xác định sự thay đổi đặc tính hóa lý của quả thanh trà theo độ tuổi tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu hoạch trái và phân loại chất lượng; là cơ sở xác định nguồn nguyên liệu đầu vào thích hợp cho từng mục đích sử dụng tiếp theo.

Thí nghiệm được tiến hành từ tháng đầu 01/2016 đến cuối tháng 03/2016. Thanh trà sau khi ra hoa và bắt đầu thụ phấn (hoa bắt đầu rụng cánh, khô), tiến hành đánh dấu mẫu (ngày 0), số lượng mẫu được đánh dấu 60 mẫu/1 cây, trên 5 cây khác nhau. Mẫu được thu hoạch ở các độ tuổi khác nhau (21, 28, 35, 42, 50 và 57 ngày tuổi); số lượng mẫu mỗi lần thu hoạch là 6 mẫu/1 cây. Thanh trà vượt quá 57 ngày tuổi (từ 58 đến 62 ngày) thường tự rụng hay có hiện tượng đốm đen trên bề mặt nên không là đối tượng để khảo sát.

Kết quả cho thấy, có sự thay đổi về màu sắc vỏ quả từ xanh lá đến cam, thể hiện bởi sự suy giảm của giá trị L* và sự gia tăng của giá trị a*, trong khi đó độ màu b* khi đo bên ngoài vỏ giảm dần theo sự gia tăng độ tuổi và ngược lại khi đo đạc ở phần thịt quả. Khối lượng và kích thước quả tăng dần từ 21 đến 42 ngày và suy giảm không khác biệt ý nghĩa từ 42 đến 57 ngày, trong khi đó, tỷ lệ thịt quả đạt cao nhất từ 37 đến 50 ngày và giảm ở khoảng thời gian tiếp theo. Sự gia tăng của tổng hàm lượng chất khô hòa tan (TSS, %) và sự suy giảm của tổng số acid chuẩn độ (TA, %), theo đó là sự gia tăng của tỷ lệ TSS/TA được ghi nhận. Hàm lượng vitamin C (mg%) giảm từ 21 đến 42 ngày và tăng từ 42 đến 57 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quá trình sinh trưởng và phát triển của thanh trà từ sau khi rụng cánh hoa đến 57 ngày có thể chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn tăng trưởng (≤42 ngày) và giai đoạn chín thuần thục (42 ÷57 ngày).

Các thông số hóa lý của quả thanh trà có sự thay đổi theo độ tuổi thu hoạch. Giai đoạn thu hoạch quả phù hợp là từ 42 đến 50 ngày tuổi tương đương với thời gian tỷ lệ thịt quả thu hồi đạt cao nhất đồng thời kích thước và khối lượng quả đạt tối đa. Độ tuổi từ 50 đến 57 ngày là thời điểm thích hợp cho việc sử dụng quả trực tiếp, vói tỷ số TSS/TA và hàm lượng vitamin C đạt cao nhất.

Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT, Tập 49, Phần B (2017)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ