SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng về công cụ truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ mã số, mã vạch

[11/03/2020 16:59]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Lâm Hữu Danh, Hoàng Hữu Dũng, Hoàng Hữu Tiến, Nguyễn Duy Chinh (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành); Đỗ Duy Đăng, Nguyễn Công Trí (Công ty Cổ phần Công nghệ xác thực số, TP. Hà Nội) và Đặng Huy Hoàng (Công ty TNHH GEG, TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ xuất hiện khi hàng hóa Việt Nam đi ra thế giới, mà còn ở ngay thị trường trong nước, khi hàng hóa thế giới tiến vào Việt Nam. Việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt là điều rất quan trọng cho khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) cần đảm bảo cơ sở cho niềm tin của người tiêu dùng (NTD). Giải pháp là hệ thống minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay NTD. Nhiều DN đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP..., nhưng như vậy vẫn chưa đủ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. NTD cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc (TXNG) tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có nỗ lực tối đa trong vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm hay không; sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không.

Hình minh họa (Nguồn: internet)

Để đảm bảo quyền lợi cho NTD và “giữ” thị phần, nhiều nhà sản xuất đã thực hiện in mã sản phẩm riêng trên bao bì của mỗi sản phẩm để tránh hàng giả/hàng nhái (HG/HN). Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TXNG cũng dần được hoàn thiện. Cùng với việc đăng ký mã số, mã vạch hiển thị website trên bao bì để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất, một số Công ty đưa ra giải pháp xác thực và truy vấn nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, các giải pháp này chưa được đồng bộ, thiếu linh hoạt, gặp khó khăn trong áp dụng đối với DN sản xuất và NTD khi triển khai với các quy mô sản xuất và các loại sản phẩm khác nhau, công nghệ ứng dụng tự động nhận dạng vật thể chưa đa dạng.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá nhu cầu của DN và NTD về vấn đề công cụ TXNG. Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp cho việc phát triển chức năng phù hợp cho công cụ TXNG trong tương lai và truyền thông nâng cao nhận thức về TXNG cho DN và NTD.

Để khảo sát về nhu cầu ứng dụng công nghệ mã số, mã vạch để TXNG, 2 bảng câu hỏi: 1 dành cho DN và 1 dành cho NTD, được thiết kế. 20 DN, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực may mặc và 40 NTD được chọn để làm 2 khảo sát này.

Nghiên cứu có thể rút ra một số điểm sau đây:

Đầu tiên, TXNG vẫn đang là khái niệm khá mới mẻ với phần lớn NTD. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy, NTD sẵn lòng sử dụng và tiếp cận với một hệ thống TXNG, miễn là nó có chất lượng và đáp ứng đầy đủ nhu cầu khi mua sắm.

Thứ hai, chức năng quan trọng nhất mà một hệ thống TXNG phải đáp ứng được là cho phép xác định HT/HG. Công cụ TXNG phải cho ra kết quả rõ ràng và dễ hiểu với NTD về nguồn gốc, cho phép người sử dụng xác định được ngay đây có phải là sản phẩm có xuất xứ rõ ràng hay không. Điều này rất quan trọng không chỉ với đối với hành vi mua hàng và niềm tin của NTD, mà còn đóng vai trò quan trọng cho phép nhà sản xuất có thể theo dõi và phát hiện ngay những hành vi gian lận thương mại.

Cuối cùng, hầu hết NTD hiện tại dùng kinh nghiệm để phát hiện HT/HG. Tuy nhiên, kết quả cho thấy có thể tuyên truyền hiệu quả cho NTD về công cụ TXNG thông qua các kênh như internet và báo chí.

Tạp chí Công thương năm 2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ