SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu chọn dòng lúa Nàng Tét mùa đột biến theo hướng ngắn ngày, chất lượng và chống chịu mặn bằng phương pháp sốc nhiệt

[26/03/2020 16:00]

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong các năm gần đây đã và đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đó là tình trạng hạn, mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên diện rộng.

Riêng về xâm nhập mặn, từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2016, mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL với tổng diện tích lúa bị thiệt hại 139.000 ha, trong đó 86.000 ha bị thiệt hại trên 70% năng suất và 43.000 ha thiệt hại từ 30-70% năng suất. Đồng thời, theo dự báo xu hướng nhiễm mặn ở ĐBSCL sẽ còn tiếp tục diễn ra khốc liệt hơn trong các năm tới. Chính vì thế, việc chọn tạo giống lúa có khả năng chống chịu mặn cao để chủ động trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp ở vùng ĐBSCL là rất cần thiết. Hơn nữa, tính chống chịu mặn do đa gen kiểm soát (9 trong 12 gen đồng kiểm soát) nên việc chọn tạo là mất thời gian và tốn kém. Xuất phát từ những lý do trên, Nhóm nghiên cứu của Trần Thị Thanh Thúy và ctv. đã nghiên cứu chọn dòng lúa Nàng Tét mùa đột biến theo hướng ngắn ngày, chất lượng và chống chịu mặn bằng phương pháp sốc, nhằm góp phần trong công tác chọn lọc các dòng/giống lúa ưu tú, có khả năng thích nghi điều kiện biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nhiễm mặn để giúp ổn định năng suất, sản lượng và an ninh lương thực.

Giống lúa mùa Nàng Tét ven biển đã được thu thập tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre) để làm nguồn vật liệu nghiên cứu, gây đột biến trên 100 hạt đang nẩy mầm ở nhiệt độ 50oC trong thời gian 5 phút. Các cá thể được chọn lọc từ thế hệ M1-M3 theo hướng ngắn ngày (<110 ngày), chất lượng (amylose <20%) và chịu mặn (12-14‰).

Kết quả cho thấy, có 20 dòng/cá thể được chọn lọc bằng phương pháp xử lý đột biến sốc nhiệt ở 50oC trong thời gian 5 phút ở giai đoạn hạt đang nảy mầm trên giống lúa Nàng Tét mùa qua các thế hệ M1-M3  với thời gian sinh trưởng ngắn (95-100 ngày), chống chịu mặn khá (cấp 3) ở độ mặn 12‰, trung bình (cấp 5) ở độ mặn 14‰ và chất lượng gạo được cải thiện (amylose 9,65-14,54%, độ trở hồ cấp 3, độ bền thể gel cấp 1) so với đối chứng Nàng Tét mùa không qua xử lý đột biến (thời gian sinh trưởng 180 ngày, chịu mặn trung bình cấp 5 ở độ mặn 12‰, nhiễm cấp 7 ở độ mặn 14‰, amylose 20-25%, độ trở hồ cấp 1, độ bền thể gel cấp 3). Trong đó, có 8 dòng/cá thể có triển vọng cho năng suất cao nhất (35,35-65,08 g/cây) so với đối chứng 33,69 g/cây.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Số 2 năm 2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ