Với công nghệ này, mỗi ngày có 1.000 tấm chắn chống virus corona được sản xuất
Nhóm nghiên cứu Đại học Northwestern (Mỹ) đã dùng công nghệ in 3D để sản xuất ra 1.000 tấm chắn chống virus corona, giúp khắc phục tình trạng khan hiếm đồ bảo hộ y tế.
Nhà khoa học David Walker đeo tấm chắn chống virus corona do nhóm sản xuất bằng công nghệ in 3D.
Theo thông tin trên tờ SciTech Daily, tấm chắn chống virus corona (hay tấm chắn bảo vệ mặt) là một phần không thể thiếu trong bộ đồ bảo hộ cá nhân (PPE) của nhân viên y tế khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19).
Trong bối cảnh các thiết bị bảo hộ, trang bị y tế phòng dịch Covid-19 bị thiếu, các nhà nghiên cứu Chad A. Mirkin và David Walker ở Đại học Northwestern (Mỹ) đã lập tức bắt tay vào sản xuất tấm chắn bảo vệ mặt bằng công nghệ in 3D mang tên HARP. Đây là loại máy in cao 4 mét với bàn in rộng 0,2 m2 có thể in gần 0,5 mét mỗi giờ.
Thiết kế của HARP đã được Mirkin và cộng sự công bố trên tạp chí Science hồi tháng 10/2019. HARP dựa vào phiên bản mới đang chờ cấp bằng sáng chế của công nghệ SLA (stereolithography) cho phép biến đổi nhựa lỏng thành đồ vật cứng. Máy in 3D HARP in theo chiều thẳng đứng, sử dụng ánh sáng cực tím để xử lý nhựa. Quá trình này có thể in các bộ phận cứng, đàn hồi và thậm chí cả gốm sứ sử dụng cho sản xuất xe hơi, máy bay, nha khoa, dụng cụ chỉnh hình, thời trang và nhiều ngành khác.
Tấm chắn bảo vệ mặt bao gồm ba bộ phận là vòng nhựa cứng đeo quanh đầu, tấm nhựa trong chắn trước mặt và dây đeo đàn hồi. Cùng với đồng nghiệp James Hedrick ở Đại học Northwestern, Mirkin và Walker thành lập Công ty Azul 3D sản xuất 1.000 tấm chắn bảo vệ mặt mỗi ngày bằng cách vận hành máy in 24/7. Các thành viên cũng phải làm việc theo ca kéo dài 6 tiếng để duy trì sản xuất liên tục.
Công ty Azul 3D sẽ phụ trách in vòng nhựa cứng đeo quanh đầu và hợp tác với một công ty địa phương chuyên cung cấp tấm nhựa trong cắt bằng tia laser. Một đối tác khác phụ trách tiệt trùng và đóng gói các bộ phận thành kit dễ lắp ráp để cung cấp cho các bệnh viện trong vùng. Tấm chắn bảo vệ mặt có thể tái sử dụng.
Bảo Lâm (Theo SciTech Daily)