Nghiên cứu khả năng chịu hạn của 6 giống lúa mùa ở giai đoạn sinh dưỡng trong điều kiện hạn nhân tạo
Lúa (Oryza sativa L.) là cây lương thực quan trọng cung cấp nhu cầu dinh dưỡng cho nửa triệu người trên thế giới và rất dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện khô hạn.
Hạn là một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa và đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới. Người ta đã hoạch định một thứ tự ưu tiên cho đầu tư nghiên cứu tính chống chịu khô hạn, chịu mặn và chịu ngập úng trong lĩnh vực cải tiến giống cây trồng trên toàn thế giới. Do đó, việc cải tiến giống và kỹ thuật canh tác đã và đang được đặt ra, việc sử dụng giống lúa có khả năng thích nghi và chống chịu cao là một biện pháp tiết kiệm nước hữu hiệu nhất. Để nâng cao chất lượng và ổn định sản lượng lúa trong điều kiện khô hạn, nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, việc chọn tạo giống lúa có khả năng chịu hạn là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Kế thừa kết quả thí nghiệm trên bộ giống lúa mùa đã thanh lọc hạn sơ bộ trong năm 2017 cho thấy có 6 giống lúa có khả năng chịu hạn tốt, nhóm nghiên cứu Lưu Hoài Nam và ctv. đã tiến hành một nghiên cứu nhằm tìm hiểu sự thích ứng về biểu hiện sinh hóa của 6 giống lúa mùa đáp ứng trong điều kiện hạn giai đoạn sinh dưỡng, kết quả được đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt nam. Bài báo nghiên cứu về sự thay đổi các đặc tính sinh hoá trong điều kiện hạn so với đủ nước.
Thí nghiệm này được bố trí theo kiểu thừa số hai nhân tố khối hoàn toàn ngẫu nhiên, nhân tố thứ nhất là 6 giống lúa: Nàng Quớt, Nàng Chá Rằn, Huyết Rồng, Bông Hường, Trắng Tép và Một Bụi Đỏ (giống Nàng Keo Chùm được sử dụng làm đối chứng nhạy cảm với hạn); nhân tố thứ hai là 2 điều kiện tưới (đủ nước, không tưới nước) với 3 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, để thích ứng trong điều kiện hạn, 6 giống lúa có sự tích lũy cao hàm lượng chlorophyll, đường tổng số và proline trong lá. Hàm lượng chlorophyll a giảm 1,36 lần, chlorophyll b tăng 1,79 lần, chlorophyll tổng tăng 1,36 lần, đường tổng số tăng 1,70 lần, proline tăng 4,44 lần. Hai giống (Một Bụi Đỏ và Nàng Quớt) có hàm lượng đường tổng số và proline cao nhất ở điều kiện hạn. Đường tổng số và proline có hệ số tương quan thuận, proline là yếu tố quyết định khả năng chịu hạn.
Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam Tập 61 số 1 1/2019