Đặc tính probiotic và khả năng làm tan huyết khối của chủng vi khuẩn Bacillus subtilis natto
Nghiên cứu do các tác Đoàn Thị Ngọc Thanh, Phạm Nguyễn Kim Lài và Phạm Thị Thúy Ngoan thuộc Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Tiền Giang thực hiện.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh lý về tim mạch và ung thư, nhưng đứng hàng đầu về tỷ lệ tàn tật ở người trưởng thành. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người mắc đột quỵ não trên toàn cầu, trong đó có 5 triệu ca tử vong và 5 triệu người khác phải chịu đựng những khuyết tật vĩnh viễn do đột quỵ não gây ra, đặt gánh nặng lên gia đình và xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Năm 1980, Sumi Hiroyuki đã phát hiện ra natto - một loại thực phẩm truyền thống của người Nhật được lên men bằng cách ủ đậu tương nấu chín với B. subtilis natto. Vi khuẩn này tiết ra enzyme nattokinase có khả năng tiêu tơ huyết mạnh, enzyme trực tiếp tác động lên tơ huyết và làm tan các tơ huyết đồng thời giúp cải thiện chức năng của các enzyme làm tan huyết khối của cơ thể. Dựa trên nguồn gốc thực phẩm và hoạt tính làm tan huyết khối mạnh, nattokinase được nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa nhờ tác dụng phòng ngừa đột quỵ và có hiệu quả kéo dài.
Việc bổ sung vi khuẩn có thể sản sinh nattokinase vào bữa ăn là cách hiệu quả để phòng ngừa cục máu đông - hiện tượng dẫn đến các nguy cơ tai biến đột quỵ. Bên cạnh đó, B. subtilis natto thuộc loài B. subtilis được WHO đánh giá là an toàn và được dùng trong thực phẩm. Đồng thời, vi khuẩn này cũng có tác dụng giảm aldehyde trong quá trình phân giải rượu trong máu người uống rượu giúp giải độc nhanh. Nhờ đó, chúng là probiotic tiềm năng trong sản xuất thực phẩm chức năng, có thể sử dụng trong phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.
Hình minh họa: Đậu nành lên men với B. subtilis natto (Nguồn: internet)
Một nghiên cứu chỉ ra rằng các chủng B. subtilis natto có khả năng bám dính, một trong những đặc tính của vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Mặt khác, một chủng vi sinh vật có tính chất probiotic cần có những đặc tính có lợi cho vật chủ, đồng thời phải sống sót qua được điều kiện khắc nghiệt của dạ dày và hệ tiêu hóa của vật chủ. Giá trị pH của dạ dày người thường dao động trong khoảng 1 đến 3. Một số nghiên cứu khảo sát khả năng sống sót của chủng vi khuẩn dùng cho probiotic ở người trong điều kiện dịch dạ dày nhân tạo với giá trị pH từ 1 đến 3 hoặc từ 2 đến 2,5, nồng độ muối mật từ 0,3% đến 0,5%, nồng độ pepsin từ 0,2% đến 0,3%. Vì vậy, đề tài này tiến hành khảo sát những đặc tính có lợi của chủng B. subtilis natto được phân lập tại Việt Nam như tính kháng khuẩn, khả năng tan huyết, tính kháng kháng sinh, đồng thời khảo sát khả năng chống chịu lại các điều kiện khắc nghiệt của hệ tiêu hóa đường ruột ở người.
Kết quả cho thấy chủng vi khuẩn chịu được các điều kiện khảo sát. Sau 3 giờ ủ trong môi trường chứa 0,3% và 0,6% muối mật; mật độ duy trì lần lượt là 96,8% và 85,5% so với ban đầu tương ứng với 7,87± 0,08 và 6,95± 0,10 log CFU/mL. Sau 3 giờ ủ ở môi trường pH 2, vi khuẩn có khả năng tồn tại với mật độ đạt 6,73±0,04 log CFU/mL tương ứng tỷ lệ sống là 79,11% so với ban đầu. Sau 3 giờ ủ trong môi trường dịch dạ dày nhân tạo pH 2,5 có bổ sung 0,3% enzyme pepsin, mật độ duy trì 6,71±0,02 log CFU/mL ứng với tỷ lệ 83,31% so với mật độ ban đầu. B. subtilis natto có khả năng kháng lại 4 loại vi khuẩn gây bệnh trong nghiên cứu này Escherichia coli ATCC 8739, Salmonella typhimurium ATCC 14028, Staphylococcus aureus ATCC 6538, Pseudomonus aegurinosa ATCC 25853 với vòng vô khuẩn tương ứng là 8,0; 9,0; 10,0 và 8,0 mm. Khả năng hòa tan huyết khối được khẳng định khi dịch nuôi cấy sau 36 giờ có khả năng làm tan 25% lượng huyết khối tươi sau 2 giờ ủ.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 56, Số 1B (2020)