SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thành phần loài, đặc điểm phân bố Hải Miên (porifera) tại vùng biển ven đảo Cồn Cỏ - tỉnh Quảng Trị

[07/05/2020 16:36]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Văn Hướng, Nguyễn Khắc Bát, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Hữu Thiện và Đinh Thanh Đạt thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện.

Hải miên còn gọi là Bọt biển thuộc ngành động vật thân lỗ (Porifera), là động vật đa bào đơn giản và nguyên thủy nhất. Dạng sống đơn độc hoặc tập đoàn. Màu sắc, hình dáng và kích thước của cơ thể khác nhau tùy loài trong phạm vi rộng, bé nhất khoảng vài mm, lớn nhất có thể cao tới hàng thước. Hải miên có khoảng 15.000 loài, trong đó có khoảng 8.000 loài đã được mô tả.

Hải miên có vai trò rất lớn trong cuộc sống. Những tiềm năng được chứng minh ở số lượng lớn các hợp chất có hoạt tính sinh học được phát hiện từ các loài hải miên đã được dùng cho ngành dược học, phẫu thuật, công nghiệp và mỹ phẩm. Ngày nay hơn 15.000 sản phẩm khác nhau được tạo ra từ Hải miên và trong những năm gần đây hàng trăm hợp chất mới được phát hiện.

Nghiên cứu hải miên ở Việt Nam trước năm 1900 tương đối ít và chủ yếu là các tác giả quốc tế. Việc nghiên cứu về sinh học, sinh thái, nguồn lợi Hải miên còn hạn chế hơn so với các loài sinh vật biển khác. Các dự án lớn đề cập tới hải miên chỉ là một chỉ tiêu của hợp phần đáy, là một nhóm chỉ thị trong việc đánh giá sức khỏe hệ sinh thái rạn san hô.

Hình minh họa: hải miên (Nguồn: internet)

Về đa dạng sinh học tại Đảo Cồn Cỏ đã ghi nhận tổng cộng 954 loài sinh vật biển bao gồm 133 loài thực vật phù du; 97 loài động vật phù du; 137 loài san hô; 182 loài cá rạn; 302 loài động vật đáy; 96 loài rong biển, 1 loài cỏ biển và 6 loài thực vật ngập mặn và chưa có một nghiên cứu về đa dạng sinh học ngành Bọt biển. Do đó, việc nghiên cứu đa dạng sinh học ngành Bọt biển sẽ góp phần bổ sung vào nguồn dữ liệu học tập và nghiên cứu là việc rất cần thiết và có ý nghĩa.

Kết quả nghiên cứu thành phần loài hải miên tại vùng ven biển đảo Cồn Cỏ năm 2013 và năm 2014 đã xác định được 112 loài thuộc 60 giống, 38 họ, 17 bộ, 03 lớp hải miên. Lớp hải miên mềm Demospongiae có 109 loài (chiếm 97,32%) thuộc 57 giống, 35 họ, 14 bộ; lớp hải miên đá vôi Calcarea có 2 loài (chiếm 1,79%); lớp Homoscleromorpha có 1 loài (chiếm 0,89%). Hải miên phân bố rộng từ 0 đến 21 m nước nhưng tập trung nhiều nhất ở dải độ sâu 3 m đến 10 m. Chỉ số tương đồng BrayCurtis về sự phân bố hải miên giữa các trạm nghiên cứu chia thành 7 nhóm với mức tương đồng giữa các trạm nghiên cứu là 75%. Sự phân bố hải miên có quan hệ mật thiết với nền đáy. Độ phủ trung bình của hải miên trên nền đáy khoảng 3,13%. Nền đáy chiếm độ phủ cao nhất là nền đáy đá (51,6%). Phân bố độ phủ chung của hải miên tương đối đồng đều và không thể hiện rõ tương quan chặt đối với các hợp phần đáy.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ - Tập 56, Số 1A (2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ