Khảo sát tác dụng giảm đau của cao chiết nước từ lá cây Lấu đỏ (Psychotria rubra (Lour.) Poir, Rubiaceae)
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Hoàng Thị Phương Liên, Lê Thị Kim Anh, Trần Ngọc Tín, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Bảo Châu, Nguyễn Lê Thanh Tuyền, Võ Thị Thu Hà thuộc Khoa Dược, Đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện.
Lấu đỏ tên khoa học là Psychotria rubra, thuộc họ Cà phê, thường phân bố và phát triển phổ biến tại các tỉnh vùng trung du và núi thấp ở Việt Nam. Trên thế giới, vài năm gần đây đã có một số nghiên cứu về thành phần hóa học và các tác dụng dược lí như kháng ung thư, khả năng kháng viêm, tác dụng chống oxy hóa… của cây Lấu đỏ. Với mục tiêu làm sáng tỏ thêm về các tác dụng dược lí của cây Lấu đỏ, nghiên cứu tiến hành khảo sát đánh giá tác động giảm đau của cao chiết nước từ lá cây trên các mô hình thực nghiệm.
Hình minh họa: Cây Lấu đỏ (Nguồn: internet)
Mô hình gây đau quặn bụng bằng acid acetic được dùng để đánh giá tác động giảm đau ngoại biên của lá Lấu đỏ bằng cách đếm số lần đau quặn ở chuột trong các khoảng thời gian, thuốc đối chứng là aspirin. Thử nghiệm giảm đau trung ương sử dụng mô hình gây đau bằng phương pháp nhúng đuôi chuột trong nước nóng ở 55±0,5oC, đánh giá tác động giảm đau trung ương bằng cách đo tiềm thời giật đuôi chuột, thuốc đối chứng là morphine.
Cao chiết nước từ lá cây Lấu đỏ liều 2,50 g/kg và liều 1,25 g/kg thể hiện tác động giảm đau ngoại biên nhưng chưa có tác động giảm đau trung ương trên mô hình thực nghiệm. Điều đó cho thấy, Lấu đỏ là dược liệu có nhiều tiềm năng có thể dùng trong giảm đau nhẹ và vừa.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Nguyễn Tất Thành Số 6 năm 2019