SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tuyển chọn giống lúa (Oryza sativa L.) chịu mặn sodic cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

[15/05/2020 10:48]

Xuất phát từ nhu cầu cung cấp giống lúa chịu mặn tốt, thích hợp cho mô hình tôm - lúa trên nền đất mặn kiềm (sodic) vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 4 giống/dòng lúa mới (D1-1, LSĐB D4, LSĐB D6, NQBĐB) cùng với IR28 (chuẩn nhiễm), lúa Sỏi (chuẩn kháng) và đối chứng địa phương OM6677 đã được thử nghiệm tính chống chịu mặn trong điều kiện phòng thí nghiệm và thực tế ngoài đồng

Vùng trồng lúa bị nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước khoảng 700.000 ha. Huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau là một trong những vùng điển hình tại ĐBSCL về đất bị mặn hoá, không trồng lúa được do nông dân nuôi tôm vài chục năm nay nên hàm lượng Na có điều kiện xâm nhập vào keo đất. Do mô hình nuôi tôm thuần tạo ra hiện tượng phú dưỡng, tôm hay bị bệnh, năng suất tôm không cao, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, qua khảo sát thực địa cho thấy nông dân cấy cây “năng bọp” trong ruộng nuôi tôm lại cho năng suất tôm ổn định. Do chi phí trồng cây năng bọp tốn kém (giống, công cấy, xử lý bằng hoá chất…) nên việc thay thế cây năng bọp bằng giống lúa chịu mặn (hạt thu được để ăn, gốc để lại trên ruộng phân huỷ dần diệt các ký sinh có hại cho tôm) giúp nuôi tôm cho năng suất ổn định. Vì thế, mô hình lúa - tôm đã dần hình thành ở vùng này. Thực tiễn cho thấy, việc tìm ra giống lúa chịu mặn đáp ứng cho vùng ven biển nuôi tôm là cấp thiết hiện nay.

Xuất phát từ nhu cầu cung cấp giống lúa chịu mặn tốt, thích hợp cho mô hình tôm - lúa trên nền đất mặn kiềm (sodic) vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nhóm nghiên cứu của Trần Thị Phương Thảo và ctv. đã nghiên cứu 4 giống/dòng lúa mới (D1-1, LSĐB D4, LSĐB D6, NQBĐB) cùng với IR28 (chuẩn nhiễm), lúa Sỏi (chuẩn kháng) và đối chứng địa phương OM6677 đã được thử nghiệm tính chống chịu mặn trong điều kiện phòng thí nghiệm và thực tế ngoài đồng:

  • (1) Trong điều kiện phòng thí nghiệm, các giống/dòng lúa được thử nghiệm trong dung dịch dinh dưỡng mặn vào giai đoạn mạ ở các nồng độ mặn 15, 19 và 22 dSm-1 (tương đương với 9-14‰); đồng thời kết hợp nghiên cứu giải phẫu hình thái rễ và điện di protein SDS-PAGE trên rễ và lá của các giống/dòng này đề tìm ra sự khác biệt giữa giống chịu mặn và giống nhiễm mặn;
  • (2) Các giống/dòng lúa chịu mặn trong điều kiện phòng thí nghiệm được tiếp tục thử nghiệm thực tiễn trên đồng ruộng qua một vụ. Kết quả cho thấy, 4 giống/dòng trên đều có khả năng chịu mặn tốt ở giai đoạn mạ (15-19 dSm-1),

Kết quả được ghi nhận khi giống đối chứng nhiễm IR28 chết (cấp 9) sau 7-12 ngày thử nghiệm. Riêng hai dòng D1-1 và NQBĐB có khả năng chịu mặn giai đoạn mạ cao (19 dSm-1). Trên nền đất mặn sodic (độ dẫn điện ECe>4 mScm-1, tỷ lệ natri hấp thu SAR>13, tỷ lệ natri trao đổi ESP>15), hai dòng lúa vẫn cho năng suất trên 1 tấn/ha.

Vân Anh

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tháng 2/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ