Nghiên cứu chuyển gen tạo rễ tơ cây xáo tam phân (Paramignya trimera) thông qua Agrobacterium rhizogenes K599
Nghiên cứu co các tác giả Phí Thị Cẩm Miện, Nguyễn Minh Đức, Kim Anh Tuấn, Nguyễn Đức Bách – Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Phạm Bích Ngọc, Chu Hoàng Hà – Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Lê Thị Vân Anh – Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Dương Phương Thảo – Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định thực hiện.
Xáo tam phân (Paramignya trimera) là một loài dược liệu quý ở Việt Nam, chứa hàm lượng hoạt chất sinh học chống ung thư cao như coumarin, otruthin, saponin. Những hợp chất này đã được chứng minh có tác dụng điều trị nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư gan.
Tuy nhiên, việc nhân giống và bảo tồn xáo tam phân còn nhiều hạn chế do đặc tính khó nhân giống của loài dược liệu này. Thêm vào đó, rễ xáo tam phân thường chỉ có giá trị dược liệu cao sau 5 năm trồng. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm tăng sinh khối rễ là cần thiết. Do vậy, trong nghiên cứu này, các điều kiện cảm ứng tạo rễ được khảo sát nhằm góp phần hoàn thiện quy trình thu nhận rễ tơ từ cây xáo tam phân để phục vụ cho nghiên cứu và sản xuất nguồn nguyên liệu thứ cấp, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh hiện nay.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu được tiến hành nhằm cảm ứng tạo rễ tơ cây xáo tam phân (Paramignya trimera) nhờ vi khuẩn Agrobacterium rhizogenes K599 và khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng sinh khối rễ tơ. Ba loại vật liệu khác nhau là mô sẹo, lá mầm và rễ cây con in vivo được sử dụng làm nguồn lây nhiễm cảm ứng tạo rễ tơ.
Kết quả cho thấy, rễ cây con in vivo là loại vật liệu thích hợp để cảm ứng tạo rễ tơ cây xáo tam phân. Mật độ vi khuẩn cho tỷ lệ mô rễ cảm ứng tạo rễ cao nhất (42,7%) tương ứng với giá trị mật độ quang OD600=0,6 trong thời gian lây nhiễm là 30 phút. Các dòng rễ tơ có khả năng tăng trưởng nhanh, ổn định và hiệu quả hình thành rễ tơ cao nhất khi nuôi cấy trong môi trường WPM/2 không bổ sung chất điều tiết sinh trưởng ở điều kiện tối trong 6 ngày. Chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang ức chế sự hình thành rễ tơ giai đoạn ủ cảm ứng nhưng thúc đẩy quá trình này khi áp dụng ở bước loại bỏ vi khuẩn. Các dòng rễ tơ chuyển gen đã được kiểm chứng nhờ kỹ thuật PCR với cặp mồi chuyên rolC.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam