Hàm lượng dinh dưỡng trong đất trồng cây ăn quả và cây dược liệu vùng tây Thanh Hóa - Nghệ An
Nghiên cứu do các tác giả Hoàng Thị Huyền Ngọc, Nguyễn Mạnh Hà và Vũ Thị Thu Hường - Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện.
Tây Thanh Hóa - Nghệ An là một trong những vùng sinh thái miền núi đặc trưng, có nhiều tiềm năng để trồng các loại cây ăn quả và dược liệu có giá trị kinh tế cao. Do đó, việc hình thành và ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả và cây dược liệu đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Nghiên cứu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là ở miền núi, ngoài yếu tố kinh tế còn phải dựa trên nền tảng của khí hậu, đất đai và địa hình. Trong đó, đất và hệ thống cây trồng có mối quan hệ chặt chẽ, vì đất vừa là yếu tố hình thành, có vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây trồng, đồng thời chịu ảnh hưởng trực tiếp của hệ thống cây trồng thông qua đặc điểm dinh dưỡng của đất như: hàm lượng chất hữu cơ, độ chua đất, hàm lượng N, P, K…
Do đó, nghiên cứu này được tiến hành với mục đích: (i) Đánh giá một số tính chất dinh dưỡng của đất trồng cây ăn quả và cây dược liệu vùng tây Thanh Hóa - Nghệ An; (ii) Cơ sở khoa học để đề xuất cải thiện và nâng cao chất lượng đất trồng cây ăn quả và cây dược liệu; (iii) Cơ sở dữ liệu để đánh giá diễn biến tính chất đất trong quá trình sản xuất.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu được thực hiện trong phạm vi hành chính gồm 22 huyện/thị xã phía tây của các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An. Về phạm vi khoa học, nghiên cứu tập trung vào việc phân tích, đánh giá chất lượng đất tầng mặt (tầng canh tác) của 2 loại hình sử dụng đất điển hình của vùng. Thứ nhất là đất trồng cây ăn quả bao gồm cây có múi (cam, bưởi) và một số cây ăn quả đang được phát triển trong vùng như: chuối tiêu hồng, chanh leo, thanh long. Thứ hai là đất trồng cây dược liệu gồm: ba kích, sa nhân tím, quế, nghệ vàng. Ngoài ra, trong quá trình điều tra khảo sát thấy rằng: cây hương bài - một loài cây thảo mộc dùng để làm hương thắp, không phải là cây dược liệu được trồng khá phổ biến, vì vậy trong nghiên cứu này gộp hương bài vào nhóm cây dược liệu để đánh giá thêm.
Hình thành và ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, chất lượng cao và cây dược liệu bản địa là định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng tây Thanh Hóa - Nghệ An. Nghiên cứu đã sử dụng kết quả phân tích tính chất lý, hóa học của 14 mẫu đất để đánh giá chất lượng của đất trồng cây ăn quả và cây dược liệu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: đối với đất trồng cây ăn quả, hàm lượng chất hữu cơ ở mức thấp (0,28-1,26% OM), N (N) tổng số trung bình, lân (P) tổng số và kali (K) tổng số chủ yếu ở mức nghèo. Đất trồng cây dược liệu có các chỉ tiêu dinh dưỡng đất cao hơn so với đất trồng cây ăn quả nhưng giá trị không cao. Vì vậy, để cải thiện chất lượng đất trong canh tác cây ăn quả và cây dược liệu vùng tây Thanh Hóa - Nghệ An cần tiến hành các biện pháp cải tạo phù hợp.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam