Đánh giá khả năng đối kháng của một số giống lúa (Oryza sativa L.) với 3 loại cây cỏ gây hại chính trong ruộng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Cẩm Tú, tác giả Lê Văn Vàng – Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang - Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Thới Lai, TP Cần Thơ và tác giả Hồ Lệ Thi – Phòng thí nghiệm trung tâm, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện.
Trên thế giới, cỏ dại luôn là mối quan tâm hàng đầu của nông dân trồng lúa, tổng thiệt hại do cỏ dại gây ra trên cây trồng lớn hơn nhiều so với côn trùng và bệnh hại, có thể làm giảm tới 60% năng suất lúa. Ở Việt Nam, nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, trong đó thiệt hại do cỏ dại là một trong những yếu tố chính, trung bình năng suất giảm do cỏ dại trên lúa sạ khoảng 46%. Thêm vào đó, hạt cỏ lẫn trong lúa sau thu hoạch làm giảm chất lượng và giá trị lúa gạo. Sự giảm mạnh năng suất lúa do cỏ dại gây ra dẫn đến tình trạng người nông dân gia tăng sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học, vì có thể mang lại hiệu quả phòng trừ cao, ít tốn công và tiết kiệm thời gian.
Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc trừ cỏ hóa học quá mức thông qua việc áp dụng thuốc quá liều liên tục qua nhiều năm có thể gây ra những rủi ro cho con người, môi trường và gây ra tình trạng cỏ kháng thuốc.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định khả năng đối kháng trực tiếp của các giống lúa OM (4498, 3536, 5930, 2395, 6976, 7347, 5451 và N406) với cỏ lồng vực nước, cỏ đuôi phụng, cỏ chác, cải bẹ xanh và cải xoong trong điều kiện phòng thí nghiệm. 10 hạt lúa nứt nanh được đặt cho nảy mầm trên đĩa petri trong 48 giờ. Sau đó, 10 hạt cỏ lồng vực nước, cỏ đuôi phụng, cỏ chác, cải bẹ xanh hoặc cải xoong đã ngâm ủ vừa nứt nanh được đưa vào trồng chung xen kẽ với cây lúa mầm trong buồng nuôi cây (25°C, 80-100 μE m-2 s-1) có điều chỉnh 12 giờ sáng tối xen kẽ trong 48 giờ tiếp theo. Phần trăm ức chế chiều dài thân và rễ của các loại cây thử nghiệm khi trồng chung với các giống lúa khác nhau được ghi nhận.
Hiệu quả ức chế của 8 giống lúa OM đối với sự sinh trưởng của cải bẹ xanh.
Kết quả cho thấy, các giống lúa OM nêu trên đều cho hiệu quả ức chế đối với sự sinh trưởng của các loại cây thử nghiệm ở các mức độ khác nhau. Trong đó, giống OM 5930 ức chế trung bình cao nhất (47,0%) đối với chiều dài thân và rễ của các loại cây thử nghiệm so với các giống lúa còn lại. Cụ thể là cỏ lồng vực nước (28,9 và 40,4%), cỏ đuôi phụng (47,1 và 48,7%), cỏ chác (49,8 và 57,5%), cải bẹ xanh (45,0 và 46,6%), cải xoong (44,8 và 58,3%). Kết quả đã chỉ ra là tất cả các giống lúa thử nghiệm đều ít nhiều có chứa chất đối kháng thực vật, những chất này đã rỉ ra từ rễ cây lúa và gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của hạt mầm các loài cây thử nghiệm bao gồm cỏ lồng vực nước, cỏ đuôi phụng và cỏ chác. Việc nghiên cứu ứng dụng các giống lúa này trong chương trình phòng trừ sinh học các loài cỏ dại trên thông qua hiện tượng đối kháng cỏ trong cây lúa là rất khả thi và hứa hẹn nhiều thành công trong tương lai.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam