Khảo sát tác động kháng viêm của một số hợp chất terpenoid phân lập từ cây Ngải cứu (Artemisia vulgaris Asteraceae)
Nghiên cứu do tác giả Võ Thị Thu Hà - Khoa Dược, Đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện.
Việt Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng một thảm thực vật phong phú đa dạng bao gồm nhiều loại cây thuốc quí, trong đó Ngải cứu với tên khoa học Artemisia vulgaris - Asteraceae, cũng là một vị thuốc quen thuộc được ứng dụng rất lâu trong cuộc sống của người dân. Nghiên cứu từ các tài liệu nước ngoài cho thấy, lá Ngải cứu có chứa một số hợp chất có hoạt tính sinh học cao như các hoạt chất nhóm flavonoid, terpenoid… Các chất này là những chất có hoạt tính mạnh với khả năng kháng khuẩn, điều hòa kinh nguyệt, tăng sinh tế bào, giảm co thắt cơ trơn phế quản hỗ trợ điều trị hen suyễn. Ngoài ra nhiều nghiên cứu cũng chứng minh Ngải cứu có tác dụng làm giảm sự tăng sinh các tế bào gây chết hay điều hòa miễn dịch…
Hình minh họa: cây Ngải cứu (Nguồn: internet)
Do đó, với mục tiêu tìm kiếm các hợp chất mới trong tự nhiên có hoạt tính sinh học cao và góp phần làm sáng tỏ thêm những tác động dược lí chưa được tìm hiểu đầy đủ trên cây Ngải cứu, trong đó có tác động kháng viêm, nghiên cứu tiến hành khảo sát tác động kháng viêm của một số hợp chất terpenoid phân lập từ cây ngải cứu: NC11 (Dehydromatricarin), NC12 (Moxartenolid), NC16 (Santamarin). Đối tượng nghiên cứu là NC11, NC12, NC16 được chiết xuất từ cây Ngải cứu. Tác động kháng viêm được khảo sát theo mô hình gây phù chân chuột bằng carrageenan 1%. Thể tích chân chuột được đo trước khi gây viêm, ba giờ sau khi gây viêm xác định lại độ phù. Lô chứng uống nước cất, lô thử nghiệm uống NC11, NC12, NC16 và lô đối chứng uống diclofenac 5mg/kg, theo dõi độ phù trong 6 ngày thử nghiệm. Các chất khảo sát đều chứng tỏ có tác động kháng viêm. Hiệu quả kháng viêm của hợp chất Moxartenolid và Santamarin thể hiện tác động tương đương nhau và mạnh hơn Dehydromatricarin ở liều 5mg/kg. Kết quả chứng tỏ ngải cứu là cây thuốc có tiềm năng cao để điều trị các bệnh về viêm.
ctngoc
Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Nguyễn Tất Thành Số 5 năm 2019