Thương mại hoá sản phẩm KH&CN: Bài học kinh nghiệm từ Israel
Đẩy mạnh chuyển giao tri thức và thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) vào thực tiễn đã giúp cho Israel từ một nước xuất khẩu chủ yếu các loại quả có múi (cam, quýt) trở thành một nước xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm công nghệ cao, đưa Israel trở thành nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo thành công nhất thế giới, là hình mẫu cho các quốc gia khác học tập. Bài viết phân tích một số kinh nghiệm của Israel và đưa ra các gợi ý cho Việt Nam trong việc thương mại hóa các sản phẩm KH&CN.
Một số kinh nghiệm thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm KH&CN của Israel
Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D), thương mại hoá sản phẩm KH&CN dựa trên nguyên tắc thị trường
Sự hỗ trợ của Chính phủ Israel ngay từ đầu đã tuân theo nguyên tắc không can thiệp trực tiếp và chỉ hỗ trợ ở những lĩnh vực được coi là “khiếm khuyết của thị trường”, nghĩa là những khu vực mà tư nhân không mặn mà đầu tư, cần “bàn tay” của Nhà nước.
Ở Israel, các bộ đều tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, chức năng chủ trì, điều phối chung và xây dựng chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia vẫn do Bộ KH&CN đảm nhiệm kể từ khi Bộ này hoạt động với tư cách là cơ quan độc lập vào năm 1982.
Tiếp cận kết nối “cầu” - “cung” thay vì “cung” - “cầu” công nghệ, tăng cường vai trò của nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc lựa chọn các dự án tiềm năng để triển khai
Ở Israel, việc lựa chọn dự án để Nhà nước hỗ trợ từ nghiên cứu đến thương mại hoá hiện nay được thực hiện theo nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu thị trường, “cầu” quyết định “cung” thay vì việc nhà khoa học cứ nghiên cứu và cho ra công nghệ, sau đó mới tìm kiếm thị trường.
Phát huy vai trò của các tổ chức trung gian KH&CN trong việc thúc đẩy thương mại hoá, chuyển giao công nghệ tại các trường đại học - thành phần quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Israel
Quy trình thực hiện hỗ trợ thương mại hoá của các công ty thường là: nhà khoa học khi có sáng chế sẽ thông báo cho công ty chuyển giao công nghệ để công ty này đánh giá mức độ thương mại hoá tiềm năng và xây dựng kế hoạch kinh doanh, mời chào doanh nghiệp. Việc soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ, xác định tỷ lệ lợi nhuận giữa các bên, hỗ trợ giao dịch với các nhà đầu tư cũng do các công ty chuyển giao công nghệ đảm nhiệm, nhà khoa học không cần quan tâm đến quy trình này mà chỉ chú tâm vào nghiên cứu. Trong trường hợp phi vụ thành công họ sẽ nhận 40% giá trị hợp đồng chuyển giao và tự phân bổ cho các thành viên trong nhóm. 60% còn lại chia thành 3 phần bằng nhau nộp vào ngân sách trường đại học, quỹ phát triển phòng thí nghiệm nghiên cứu và phần còn lại cho hoạt động của công ty chuyển giao công nghệ. Các công ty chuyển giao công nghệ thuộc các trường đại học đều là những đơn vị hoạt động chuyên nghiệp, mang lại lợi nhuận cho trường và do những người có kinh nghiệm kinh doanh điều hành.
Khuyến khích các nhà khoa học sáng tạo và tích cực thương mại hoá công nghệ thông qua các quy định về sở hữu trí tuệ
Để đảm bảo quyền lợi cho trường đại học và doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động chuyển giao công nghệ; đồng thời khuyến khích các nhà khoa học cũng như trường đại học nghiên cứu và đẩy mạnh thương mại hoá công nghệ, Israel quy định nghiêm ngặt về quyền sở hữu trí tuệ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ, Theo đó, doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ phải cam kết đưa công nghệ ra thị trường và không có quyền công bố kết quả nghiên cứu
Một số gợi ý cho Việt Nam
Thứ nhất, Nhà nước chưa phát huy tốt vai trò là kích tố cho hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu. Việc tài trợ đã có những chuyển biến tích cực và hướng tới kết quả đầu ra, khuyến khích chuyển giao công nghệ và thương mại hoá sản phẩm, song các quy trình tài trợ vẫn còn rườm rà; còn nhiều rào cản, vướng mắc về cơ chế tài chính, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ; các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ nhà khoa học còn yếu. Nhà nước vẫn để nhà khoa học phải tự bơi trong công cuộc tìm kiếm thị trường cho các sáng chế của mình, thậm chí phải tự bỏ tiền của mình để bảo hộ tài sản trí tuệ mà quyền sở hữu lại thuộc về Nhà nước.
Thứ hai, doanh nghiệp thiếu thông tin và niềm tin về công nghệ nội. Các doanh nghiệp có xu hướng mua công nghệ từ nước ngoài do tâm lý “sính ngoại” và tin tưởng vào công nghệ nhập khẩu.
Thứ ba, “cung” công nghệ chưa xuất phát từ nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Các sản phẩm KH&CN còn ít và kém chất lượng do năng lực và trang thiết bị còn hạn chế, thời gian nghiên cứu dài, trong khi doanh nghiệp cần sớm có công nghệ.
Thứ tư, sự liên kết giữa người sử dụng và người sản xuất công nghệ yếu hoặc thậm chí không có liên kết, mối liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực doanh nghiệp sản xuất chủ yếu dựa trên các kết nối cá nhân chứ không phải là cam kết của tổ chức. Thứ năm, thiếu các tổ chức trung gian KH&CN hoạt động hiệu quả tại cơ sở nghiên cứu, trường đại học như mô hình các trung tâm chuyển giao công nghệ tại trường đại học ở Israel chuyên trách việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu của nhà khoa học. Thứ sáu, sự phối hợp giữa ba nhà: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp (3 thành tố quan trọng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo) còn yếu. Vai trò của nhà khoa học đầu ngành trong việc tham gia hoạch định và xây dựng các chính sách thúc đẩy thương mại hoá, đổi mới sáng tạo chưa được đề cao. Các quy trình hỗ trợ và tài trợ cho nghiên cứu còn mang nặng tính hành chính, đôi khi hình thức. Doanh nghiệp không dễ tiếp cận các chương trình hỗ trợ của nhà nước cho R&D cũng như đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, còn thiếu các công cụ mạnh để khuyến khích sự liên kết giữa khu vực nghiên cứu và khu vực sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tạp chí KH&CN Việt Nam, Số 04/2020