SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tác động của đại dịch COVID-19 đến doanh nghiệp xã hội

[15/05/2020 15:53]

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Đại dịch khiến hoạt động sản xuất trì trệ, thương mại bị hạn chế, sự di chuyển các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế đều bị “đóng băng”, khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản. Trong đó, doanh nghiệp xã hội (DNXH) cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

DNXH - nhóm doanh nghiệp cần hỗ trợ kịp thời

DNXH có vai trò hết sức quan trọng, được coi là một giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề xã hội một cách bền vững (cung cấp các sản phẩm dịch vụ thiết yếu với giá thấp cho người thu nhập thấp; cung cấp các dịch vụ công, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội; tăng cường phúc lợi cộng đồng bằng việc kết nối những người bị lề hóa xã hội trở lại hòa nhập cộng đồng; đào tạo và cung cấp việc làm cho người bị thiệt thòi, yếu thế hoặc bị lề hóa). Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đầu tháng 4/2020 về tác động của đại dịch COVID-19 tới các DNXH Việt Nam cũng khẳng định vai trò quan trọng và sự cần thiết phải hỗ trợ các DNXH trong bối cảnh hiện nay:

- Trung bình một DNXH trong mẫu nghiên cứu sử dụng 28 lao động. Trong toàn bộ lực lượng lao động của khu vực DNXH, có 34% là nhóm người yếu thế. Họ chủ yếu là phụ nữ yếu thế, thanh niên dễ bị tổn thương, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có thu nhập thấp hoặc thất nghiệp lâu năm.

- Mỗi DNXH trong mẫu nghiên cứu trung bình hỗ trợ cho 510 người hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động kinh doanh của họ. Những người hưởng lợi này có thể là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo…

- Ở Việt Nam, có khoảng 1.000 DNXH đã đăng ký theo luật định.

- Mô hình DNXH là mô hình lai ghép, lấy phương thức kinh doanh để hỗ trợ Chính phủ giải quyết một phần các vấn đề xã hội và môi trường. Chính vì thế, họ cần được ưu tiên cao nhất trong khối doanh nghiệp khi đón nhận các hình thức hỗ trợ của khu vực công, bao gồm tiếp cận vốn, mua sắm công, các khoản thuế phí và thủ tục hành chính.

Chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khu vực DNXH càng trở nên “nhạy cảm” hơn. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội thì COVID-19 đã khiến các DNXH giảm doanh thu 66%, lợi nhuận 69% và nhân sự 32%.

Nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các DNXH về giáo dục, dạy nghề cho nhóm yếu thế (do giãn cách xã hội, các trường không quay trở lại học từ sau Tết Nguyên Đán đến nay), du lịch và đồ thủ công mỹ nghệ. Nếu tình hình diễn biến như hiện nay và tiếp tục kéo dài đến hết quý II/2020, ước tính có khoảng 46.000 người hưởng lợi từ các DNXH bị giảm hỗ trợ. Có khoảng 163.000 người hưởng lợi từ các DNXH không còn tiếp tục được nhận các hỗ trợ từ khu vực này. 68% các DNXH vẫn nỗ lực duy trì hoạt động như hiện nay cho đến hết quý II/2020, phần còn lại dự kiến tạm dừng hoạt động và phá sản. Tuy nhiên, khi kịch bản COVID-19 kéo dài đến hết quý III/2020, lúc này 64% DNXH sẽ cắt giảm đáng kể quy mô hoạt động, 9% tạm dừng hoạt động và 27% sẽ phá sản. Nếu COVID-19 kéo dài đến hết năm 2020, dự kiến chỉ còn 5% DNXH (trong ngành thực phẩm) còn tồn tại với rất nhiều khó khăn, 86% số DNXH sẽ phá sản và 9% tạm dừng hoạt động.

Khuyến nghị từ các chuyên gia

Các chuyên gia cho rằng, những người lao động trong các DNXH, nhóm người hưởng lợi từ DNXH bị ảnh hưởng nặng nề, vì bản thân họ đã là nhóm yếu thế, nhiều người trong số họ ở sát với vạch nghèo. Dừng làm việc, có nghĩa là dừng thu nhập và dừng khả năng có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình, trở thành người có khả năng đối mặt với tình trạng thiếu đói, hoặc trở nên rất nghèo. Chính vì vậy, các khoản hỗ trợ của Chính phủ và cộng đồng nên đi qua kênh các DNXH. Đây có thể coi như một “phễu lọc” cho các hoạt động hỗ trợ và thiện nguyện đang và sẽ diễn ra.

Với tình trạng hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo, chúng ta nên coi đây là “một trạng thái bình thường mới”. Các tổ chức, doanh nghiệp sau COVID-19 cần đổi mới, thay đổi cơ cấu tổ chức, phương thức quản trị theo hướng “mỏng”, “nhẹ" và linh động hơn. Thời gian giãn cách xã hội cũng là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp nói chung, DNXH nói riêng nâng cao năng lực, học tập, tìm kiếm những ý tưởng đổi mới mô hình kinh doanh, sản phẩm, phương thức phục vụ.

Chính phủ và các cơ quan quản lý cần “thấu hiểu” nhu cầu của các DNXH. Kết quả khảo sát của Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội cho thấy, nhu cầu lớn nhất của các DNXH hiện nay là được tiếp cận các khoản vay. Tuy nhiên, phần lớn các DNXH đều siêu nhỏ, không có đủ điều kiện để tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng, hình thức crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) hay các khoản vay của cộng đồng để có luồng tiền mặt vượt qua COVID-19. Bên cạnh đó, thời gian để tiếp cận các khoản vay kéo dài cùng với các thủ tục phiền hà cũng là rào cản không nhỏ.

Tạp chí KH&CN Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ