Một số yếu tố tác động tới hệ thống SHTT quốc gia trong bối cảnh mới
Sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, là nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều yếu tố mới đang tác động đến hệ thống SHTT quốc gia, rất cần được nhận diện, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong xây dựng chính sách cũng như áp dụng khi thực tiễn.
Mở rộng về địa lý của hoạt động SHTT, cụ thể là việc tạo lập, bảo hộ, thực thi và khai thác tài sản trí tuệ.
Xu hướng đăng ký bảo hộ các đối tượng quyền SHTT ra các nước khác của các chủ thể sáng tạo đã phản ánh nhu cầu mở rộng về địa lý trong bảo hộ quyền SHTT. Trong số 5 quốc gia có số lượng đơn sáng chế đứng đầu hệ thống nộp đơn đăng ký quốc tế sáng chế (Hệ thống PCT) của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) thì có 3 quốc gia châu Á. Hoa Kỳ liên tục duy trì số lượng đơn PCT cao nhất, năm 2018 nộp 56.142 đơn đăng ký sáng chế thông qua hệ Hệ thống PCT, tiếp sau là Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó so với các năm trước, năm 2018 Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia đứng thứ hai với 53.345 đơn, Nhật Bản xuống vị trí thứ ba với 49.702 đơn, Hàn Quốc vẫn ở vị trí thứ năm sau Đức . Ngay cả với Việt Nam, số lượng đơn sáng chế có nguồn gốc nước ngoài đăng ký vào Việt Nam chiếm tỷ lệ cao gấp nhiều lần so với đơn đăng ký sáng chế có nguồn gốc trong nước2. Điều này cũng tạo nên những áp lực lớn cho hệ thống SHTT các nước, đặc biệt là hệ thống thẩm định đơn ở những quốc gia đang phát triển.
Toàn cầu hóa hoạt động kinh doanh, thương mại và sự mở rộng địa lý của hoạt động SHTT cũng tạo thêm những thách thức cho việc quản lý tài sản trí tuệ, chẳng hạn như quyết định nơi nộp đơn đăng ký bảo hộ và những thách thức trong việc đảm bảo quyền tự do hoạt động của doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau. Việc gia tăng số đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng quyền SHTT khác nhau trên thế giới cũng là một điều mà các doanh nghiệp cần xem xét thêm. Ví dụ như các giải pháp hữu ích bị coi là tình trạng kỹ thuật đã biết có thể làm mất tính mới đối với các giải pháp kỹ thuật khác trên toàn thế giới, hay số lượng lớn đăng ký giải pháp hữu ích tại các quốc gia lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi đăng ký sáng chế (vì không thể đảm bảo rằng các sáng chế của họ không được ai đó tạo ra trước).
Sự phát triển nhanh chóng của KH&CN
Sự hội tụ và phát triển của các công nghệ mới đang ảnh hưởng đến việc tạo ra sản phẩm mới. Xu hướng hội tụ công nghệ, nhu cầu cần tạo ra các sản phẩm mang tính thông minh, tích hợp nhiều chức năng hơn nữa, sự tương tác dễ dàng hơn giữa các đối tác ở xa nhờ có các công cụ công nghệ thông tin và truyền thông đang thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo nhiều hơn. Các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn và hiệp hội ngành nghề đang cùng thiết lập ra các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết để tạo được sự tương thích như vậy với các công nghệ tiên tiến nhất hiện có thông qua việc cấp li-xăng một cách công bằng, với giá cả hợp lý và không phân biệt đối xử (FRAND). Đây là phương thức mà Nhật Bản đã áp dụng rất hiệu quả trong thời gian qua. Máy móc ngày càng thông minh và các thiết bị như robot, máy bay không người lái, vệ tinh, và các máy móc thiết bị được kết nối… là những thành quả có giá trị để từ đó tiếp tục tạo ra tài sản trí tuệ. Việc này đồng thời đặt ra câu hỏi liên quan đến khái niệm sáng tạo và sáng chế, quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ in 3D đã tạo điều kiện thuận lợi để dịch chuyển tài sản trí tuệ dưới dạng phi vật chất và cho phép phát triển những mô hình phân bổ mới. Tuy nhiên việc dễ dàng phân bổ như vậy cũng sẽ làm gia tăng những khó khăn trong việc kiểm soát những kênh không có thẩm quyền phân bổ các tài sản trí tuệ như quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, cũng như những khó khăn trong việc thực thi quyền. Những công nghệ mới như là công nghệ chuỗi khối cũng được khai thác để xác nhận và giao tiếp các thông tin có liên quan đến việc lan truyền tài sản trí tuệ bằng công nghệ số. Sự xuất hiện nhiều hơn nữa của các công nghệ mới trong tương lai cho thấy hoạt động SHTT cũng sẽ còn vượt xa hơn những vấn đề mà chúng ta đang thảo luận. Chính vì vậy, hệ thống SHTT cần phải có sự thay đổi kịp thời và linh hoạt để phù hợp với năng lực và trình độ phát triển KH&CN, đồng thời dự liệu được những thay đổi tiếp theo nhằm khuyến khích, thúc đẩy không ngừng hoạt động sáng tạo.
Sự tương quan với môi trường chính trị, xã hội
ấn đề tranh cãi chính ở đây là về vai trò của SHTT đối với thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi có những quốc gia xem trọng vấn đề SHTT như là một yếu tố quan trọng để khuyến khích đổi mới, sáng tạo thì có quốc gia lại đang kìm hãm sự phát triển của hoạt động SHTT. Sự nhận thức khác nhau của các nước về việc hoạt động SHTT cần được phát triển như thế nào khiến cho việc ký kết các hiệp ước quốc tế trở nên khó khăn. Có một số quốc gia cho rằng cần phải bảo hộ mạnh quyền SHTT đối với nguồn gen, tri thức truyền thống, nghệ thuật văn hóa truyền thống, đây là những di sản có thể đem lại giá trị vật chất, do đó các nước muốn kiểm soát việc sử dụng các di sản này và chia sẻ những lợi ích khai thác thương mại mà chúng đem lại. Mặc dù có vài vấn đề đã được giải quyết trong Nghị định thư Nagoya về kết nối và chia sẻ lợi ích, thì vẫn còn những cuộc tranh cãi đã tồn tại từ lâu và vẫn chưa đi đến hồi kết. Tầm quan trọng về mặt kinh tế của SHTT vẫn tiếp tục được công nhận và đã trở thành vấn đề quan trọng trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia, điều này được thể hiện khi mà các vấn đề SHTT đã được đề cập ở trong những hiệp ước thương mại song phương và đa phương, ví dụ như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những nội dung về bảo hộ quyền SHTT trong các hiệp định thương mại tự do thường gây ra những tranh luận gay gắt và cần tới những cuộc bàn thảo chính trị trong nội bộ mỗi quốc gia. Một số vấn đề SHTT vẫn cần được nghiên cứu và thảo luận sâu hơn như vấn đề chỉ dẫn địa lý, mối liên hệ giữa TRIPS với Công ước về đa dạng sinh học đối với vấn đề chuyển giao công nghệ cho các nước kém phát triển, giải quyết tranh chấp về SHTT của WTO…
Sự thay đổi về phương thức vận hành doanh nghiệp
Hàng loạt yếu tố như xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tiến bộ trong khoa học, công nghệ, thông tin, truyền thông, tích hợp các công nghệ hiện đại… khiến cho doanh nghiệp và các tổ chức sáng tạo khác đều phải tham gia vào công cuộc đổi mới sáng tạo. Mở rộng phạm vi thực hiện đổi mới sáng tạo từ việc hợp tác R&D, li-xăng cho đến những loại hình mới như là thử nghiệm ứng dụng kết quả sáng tạo, kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng. Tính đa năng của sản phẩm, sự chuyên môn hóa, tổ chức lại khâu sản xuất đem lại lợi ích kinh tế, giảm chi phí, từ đó dẫn tới việc phân tách nhiệm vụ giữa sản xuất, phân phối, thuê dịch vụ ngoài. Việc hợp tác với các đối tác bên ngoài là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và các tổ chức nghiên cứu vốn không có năng lực trực tiếp khai thác và quản lý tài sản trí tuệ của mình và cách thức bảo mật thông tin cần thiết, đặc biệt là khi có sự hợp tác xuyên quốc gia.