Nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc cây in vitro giống gừng G10 trong vườn ươm
Nghiên cứu được thực hiện nhằm nhân nhanh giống gừng G10 đảm bảo sạch bệnh, đồng nhất thì phương pháp nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào là giải pháp thích hợp.
Ảnh: Internet
Giống gừng G10 là giống gừng có năng suất, chất lượng cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản xuất thử cho các vùng sinh thái phía Bắc từ năm 2017. Đây là giống thích ứng rộng với các vùng sinh thái phía Bắc, thời gian sinh trưởng dao động từ 260 - 270 ngày, củ to, ruột vàng rất thích hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện nay, năng suất cao biến động từ 26 - 29 tấn/ha, chất lượng tốt với hàm lượng tinh dầu 4,3 - 4,8%, vitamin C từ 7 - 9 mg,kẽm 1 - 1,3 mg/kg (Lê Khả Tường, 2017).Trong sản xuất, việc nhân giống G10 đều được thực hiện bằng con đường sinh sản vô tính từ củ. Với phương pháp nhân giống này các hom giống được tách ra từ nguồn củ sống trên đồng ruộng có nhiều nhược điểm như nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, các hom giống không đồng nhất về tuổi sinh lý, tiêu tốn nhiều số lượng củ giống. Từ đó làm tăng giá thành sản xuất và tăng chi phí đầu tư, tăng giá thành sản phẩm. Các yếu tố này làm cản trở việc xuất khẩu gừng G10 ra thị trường thế giới.Nhân dòng vô tính gừng thông qua nhân nhanh chồi đỉnh đã được công bố bởi nhiều tác giả trên thế giới (Hosoki and Sagawa,1977; Balachandran et al.,1990; Rout and Das, 1997), nhờ phương pháp này có thể tăng nhanh diện tích sản xuất những giống gừng có chất lượng cao, sạch bệnh đồng thời nhân giống bằng nuôi cấy mô có thể giảm mức đầu tư giống tiết kiệm đến 40% chi phí giống ban đầu (Trần Thị Đính và Lê Khả Tường, 2014). Vì vậy, việc nhân nhanh giống gừng bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào chính là lời giải cho vấn đề nhân giống gừng G10.Để sản xuất cây giống in vitro gừng G10 thành công cần trải qua 2 quá trình: (1) Nhân giống vô tính thông qua nuôi cấy chồi; (2) Chăm sóc cây con in vitro ngoài vườn ươm. Kết quả nghiên cứu của bài báo tập trung vào các kỹ thuật chăm sóc cây con in vitro khi đưa ra vườn ươm.
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trịnh Thùy Dương, Lê Khả Tường, Phạm Thị Kim Hạnh thuộc Trung tâm Tài nguyên thực vật thực hiện từ tháng 5/2017 đến tháng 5/2018 tại Trung tâm Tài nguyên thực vật - An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.
Qua nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy:
- Cây con in vitro giống gừng G10 đưa ra vườn ươm đạt tỷ lệ sống cao nhất 91% khi được huấn luyện bằng cách đặt bình cây trong điều kiện nhiệt độ phòng 3 ngày, sau đó đưa bình cây ra đặt ở vườn ươm 4 ngày.
- Ra cây vào vụ Xuân trên giá thể xơ dừa nghiền hoặc đất phù sa : xơ dừa (tỷ lệ 1 : 1)
- Trong tháng đầu tiên sử dụng phân bón Grown more có tỉ lệ N : P : K là 30 : 20 : 10, tháng tiếp theo sử dụng phân bón Grown more có tỉ lệ N : P : K là 30 : 10 : 10 phun định kỳ 10 ngày/lần trong điều kiện vườn ươm.
ltnhuong
Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2019