Ảnh hưởng của Brassinolide đến một số đặc tính sinh lý, sinh hóa, cây lúa bị mặn (6‰) ở giai đoạn mạ
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu xác định ảnh hưởng của nồng độ brassinolide tối ưu lên một số đặc tính sinh lý, sinh hóa của cây lúa ở giai đoạn mạ trong điều kiện lúa bị mặn 6‰.
Ảnh: Internet
Độ mặn trong đất ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh lý và trao đổi chất trong đời sống cây trồng, stress muối tạo ra những thay đổi đặc biệt trong hình thái và giải phẫu học của các tế bào, mô và cơ quan (Sairam and Tyagi, 2004). Theo Siringam và cộng tác viên (2011), mặn gây ảnh hưởng bất lợi đến cây trồng bằng độc tính ion cũng như stress thẩm thấu, làm mất cân bằng dinh dưỡng dẫn đến thiếu một số dưỡng khoáng cho cây. Nhiều nghiên cứu cho rằng mặn gây ra việc giảm diện tích lá, điều này thể hiện thế năng nước của lá thấp hơn và hàm lượng nước tương đối trong lá giảm xuống. Thiếu nước thúc đẩy sự đóng khí khổng của lá dẫn đến đồng hóa CO2 bị hạn chế và tốc độ quang hợp giảm thấp, mặc khác hàm lượng các sắc tố quang hợp, protein và proline,... có nhiều thay đổi đáng kể. Để chống chọi với stress, cây lúa phát triển những cơ chế khác nhau để chống chịu được mặn, cả thích nghi sinh lý và giải phẫu trợ giúp cho sự sinh trưởng trong điều kiện không thuận lợi. Hiện nay, có nhiều biện pháp để giúp cây lúa chống chịu mặn như sử dụng giống chống chịu, kỹ thuật canh tác hay sử dụng chất kích kháng thuộc nhóm hormon brassinosteroids (Brs) cũng đã và đang được nghiên cứu áp dụng. Nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy brassinolide (C28H48O6- một lactone steroid tự nhiên được phát hiện vào năm 1979, thuộc nhóm chất brassinosteroids) có tính kích kháng tốt giúp cây trồng gia tăng tính chống chịu mặn bởi khả năng kích thích sinh trưởng (El-Feky và Abo-Hamad, 2014), tích lũy proline (Vardhini, 2012; Nguyễn Văn Bo và ctv., 2014), ổn định chất diệp lục tố (Nithila et al., 2013), hoạt động của các enzyme chống oxy hóa(El-Mashad and Mohamed, 2012),... trên một số cây trồng cạn. Tu y nhiên, các nghiên cứu về ảnh hưởng của hợp chất này đến đặc tính sinh lý sinh hóa trên các giống lúa cao sản ở những vùng đất nhiễm mặn cao còn hạn chế và cần được nghiên cứu thêm. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra được nồng độ brassinolide tối ưu lên một số đặc tính sinh lý sinh hóa giúp cây lúa gia tăng tính chống chịu mặn (6‰) ở giai đoạn mạ của giống lúa cao sản.
Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Kiêu Hiếu, Phạm Phước Nhẫn, Nguyễn Bảo Vệ công tác tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu và Trường Đại học Cần Thơ thực hiện tại phòng thí nghiệm của Bộ môn Sinh lý - Sinh hóa, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2018.
Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên trong điều kiện nhà lưới, 1 nhân tố, với các nồng độ brassinolide: 0,00; 0,05; 0,10; 0,20; 0,40 mg/L và 3 lần lặp lại. Kết quả thí nghiệm cho thấy: Ở độ mặn 6‰, ủ giống với brassinolide 0,05 mg/L làm gia tăng trọng lượng tươi và khô của cây lúa và hoạt tính enzyme protease tăng 0,057 Tu/mgprotein so với đối chứng. Ủ giống với brassinolide ở 5 nồng độ nói trên cho hàm lượng proline tăng từ 17,36 - 36,61% so với đối chứng, trong đó nồng độ 0,20 mg/L cải thiện hàm lượng proline tốt nhất cũng như giúp cải thiện hàm lượng các sắc tố quang hợp (chlorophyll a và carotenoids). Các nồng độ 0,10; 0,20; 0,40 mg/L của brassinolide làm tăng hoạt tính catalase ở các mức khác nhau và nồng độ 0,10 mg/L cải thiện hoạt tính catalase cao nhất (tăng 81,33% so với đối chứng). Ủ giống với brassinolide làm tăng hàm lượng khoáng trong cây: 0,10 mg brassinolide /L làm tăng khoáng Nts lên10,97% và 0,05mg brassinolide /L làm tăng khoángPtslên39,19% so với đối chứng, trong khi khoáng Nats trong cây giảm từ 9,57 - 15,43% so với đối chứng khi hạt giống được ủ với brassinolide.
ltnhuong
Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2019