SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả điều tra, thu thập quỹ gen cây trồng tại hai huyện Pác Nặm và Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn

[24/05/2020 10:13]

Bắc Kạn là tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam, có địa hình, điều kiện tự nhiên đa dạng, có nhiều thành phần dân tộc sinh sống khác nhau như: H’Mông, Sán Chỉ, Dao, Tày... Qua thu thập thông tin từ tỉnh đã xác định được 2 huyện Pác Nặm và Ngân Sơn có sự đa dạng về nguồn gen cây trồng.

Ảnh: Internet

Nằm ở Đông Nam Á, một trong 10 trung tâm đa dạng sinh vật của thế giới, Việt Nam có nguồn tài nguyên di truyền thực vật giàu có và đa dạng, cả ở mức độ loài và dưới loài. Nhiều giống, loài cây quan trọng đã sớm được thuần hóa và khoảng trên 40 loài cây trồng có giá trị được xác định là có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu điều tra ban đầu, có hơn 800 loài cây trồng phổ biến tại các hệ sinh thái nông nghiệp khác nhau trên cả nước, số lượng các loài thực vật có quan hệ họ hàng với cây trồng là khoảng trên 1.300 loài, trong đó có nhiều loài có giá trị hoặc tiềm năng giá trị nông nghiệp. Nguồn gen cây trồng sau khi được thu thập, đánh giá sẽ trở thành nguồn vật liệu cho các chương trình chọn tạo giống. Hiện tại, nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo này đã và đang thu hút các nhà khoa học từ các cơ quan nghiên cứu trong nước và trên toàn thế giới. Thông qua công tác nghiên cứu nguồn vật liệu, nhiều giống cây trồng mới được chọn tạo có ưu thế về chất lượng, về năng suất và tính chống chịu. Bởi vậy nguồn tài nguyên thực vật ngày càng có vị trí quan trọng, đó là nguồn tài nguyên vô giá của mỗi quốc gia.Tuy vậy nguồn tài nguyên thiên nhiên quí giá này, tài sản vô giá của quốc gia đã và đang bị đe doạ xói mòn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Biến đổi khí hậu, sự thoái hoá của đất và nước, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và giao thông được coi là những tác động có khả năng làm mất đi nhiều nguồn gen thực vật quí (Nguyễn Thị Ngọc Huệ và ctv., 2015). Theo ước tính sơ bộ khoảng 80% các giống cây trồng địa phương đã không còn có thể tìm thấy trong sản xuất và trong tự nhiên. Chính vì vậy, điều tra, thu thập và bảo tồn nguồn tài nguyên vô giá này trước khi bị xói mòn là một giải pháp quan trọng trong chiến lược bảo tồn bền vững tài nguyên thực vật.

Nghiên cứu do Trung tâm Tài nguyên thực vật phối hợp cùng Công ty Syngenta phối hợp thực hiện trong giai đoạn từ 2012 - 2017 tại Bắc Kạn và Trung tâm Tài nguyên thực vật - An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Hai huyện Pác Nậm và Ngân Sơn có sự đa dạng cao về vị trí địa lý, thành phần dân tộc và phương thức canh tác. Kết quả triển khai tại 10 xã đã thu thập được 419 mẫu nguồn gen của 55 loài cây trồng; trong đó, nhóm Rau, gia vị là nhóm thu được nhiều nhất 156 mẫu nguồn gen chiếm tỷ lệ 37,2%; tiếp đến là nhóm Đậu đỗ với 100 mẫu nguồn gen (23,9%); nhóm Hòa thảo 85 mẫu nguồn gen (20,3%); cuối cùng là nhóm Cây có củ 78 mẫu nguồn gen (18,6%). Phát hiện được ba nguồn gen có tiềm năng phát triển là Khẩu nua lếch (nguồn gen Lúa), Cà vú bò (nguồn gen Rau) và Chè ho (nguồn gen Cây có củ). Đa số các dân tộc đều có hình thức canh tác giống nhau là canh tác trên nương, canh tác ruộng bậc thang và canh tác trong vườn gia đình.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ