SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát trồng nấm Bào ngư trên cơ chất lên men

[24/05/2020 10:22]

Nghiên cứu được nhóm tác giả của trường Đại học Đà Lạt và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2018.

Ảnh: Internet

Nấm Bào ngư là tên gọi chung cho các loài nấm thuộc chi Pleurotus, họ Pleurotaceae. Chi nấm này gồm khoảng 70 loài phân bố rộng khắp thế giới (Kirk et al, 2008). Cho đến nay đã có khoảng trên 10 loài đã được đưa vào nuôi trồng trên quy mô lớn do các loài nấm thuộc chi nấm Pleurotus khá dễ trồng, có hàm lượng dinh dưỡng cao, ngoài ra còn chứa nhiều vitamin và acid amin thiết yếu vốn rất ít trong ngũ cốc (Crisan and Sands, 1978; Rajarathnam and Bano, 1989; Kong, 2004; Kang, 2004). Có nhiều phương pháp để trồng nấm Bào ngư như trồng trên gỗ khúc, trồng trong bịch cơ chất khử trùng, trồng trên cơ chất nhúng nước nóng và trồng trên cơ chất lên men (Rajarathnam et al., 1987; Cho, 2004). Hiện nay tại nước ta, đa số nấm Bào ngư được trồng theo công nghệ hấp khử trùng cơ chất nhằm tránh sự nhiễm nấm bệnh hoặc các loại vi khuẩn gây bệnh. Phương pháp này có ưu điểm là có thể sản xuất ở nhiều quy mô khác nhau, tiết kiệm giống mẹ và có thể sử dụng nhiều loại nguyên liệu có kích thước hạt đa dạng, khá an toàn cho người mới bắt đầu trồng nấm. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng nấm lại không được cao, hiệu suất sinh học trung bình khi sản xuất ở Việt Nam thường chỉ đạt 40 - 50% và thời gian thu hoạch có khi kéo dài đến 5 tháng (Truong, 2004). Phương pháp trồng nấm Bào ngư trên cơ chất lên men được mô phỏng theo phương pháp trồng nấm mỡ (Agaricus bisporus). Trong phương pháp này, cơ chất sẽ được lên men theo 2 giai đoạn: giai đoạn lên men ngoài trời và giai đoạn lên men trong hầm lên men (Vedder, 1978; Choi, 2004). Nấm Bào ngư trồng theo phương pháp này thường có năng suất và chất lượng nấm vượt trội so với phương pháp trồng trong bịch cơ chất khử trùng. Ngoài ra, cơ chất thải sau khi thu hoạch nấm có thể được tận dụng làm nguồn nguyên liệu rất tiềm năng để làm thức ăn cho gia súc, chế tạo đệm sinh học hay sản xuất phân bón vi sinh.

Nghiên cứu được nhóm tác giả của trường Đại học Đà Lạt và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2018. Các nghiên cứu nuôi trồng nấm được thực hiện trong nhà trồng nấm của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao - Trường Đại học Đà Lạt.

Nghiên cứu sử dụng chủng nấm Bào ngư sử dụng trong thí nghiệm khảo sát là chủng nấm lai Pleurotus hybrid được nuôi trồng khá phổ biến trong các trại nấm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Nguồn nguyên liệu chính làm giá thể trồng nấm là rơm và hạt bông thải, có bổ sung thêm 5% cám gạo và 0,5% CaCO3. Compost đã lên men hoàn chỉnh qua 2 giai đoạn lên men chính và phụ. Phương thức tiến hành thí nghiệm dựa trên các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước về công nghệ nuôi trồng nấm trên cơ chất lên men (Gerrit 1988, Choi 2004).

Nghiên cứu cho thấy một số loài nấm thuộc chi Pleurotus có khả năng phát triển tốt trên cơ chất lên men là rơm lúa nước và bông thải. Quy trình lên men này khá đơn giản và dễ dàng triển khai trên quy mô lớn. Nấm thu được có năng suất và chất lượng cao. Qua các khảo sát thực nghiệm cho thấy tỷ lệ giống khoảng 5% cấy vào các bịch phôi 5 kg, ủ tối trong khoảng thời gian 20 ngày và tiến hành kích thích ra quả thể bằng cách tạo 10 điểm thoáng khí (8 đường rạch và 2 lỗ thoáng khí)là các điều kiện nuôi cấy thích hợp để đạt được năng suất và chất lượng tối ưu khi nuôi trồng nấm Bào ngư theo phương pháp lên men cơ chất từ rơm rạ và hạt bông tại thải. Qua đó, nhóm tác giả đề nghị tiếp tục nghiên cứu xử lý cơ chất thải sau trồng nấm theo hướng làm thức ăn cho gia súc, chế tạo đệm sinh học và sản xuất chế phẩm vi sinh để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các loại nguyên liệu phế phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ