Nghiên cứu chiết xuất hoạt chất chống oxy hóa từ củ tỏi (Allium sativum L.) theo cách tiếp cận công nghệ xanh
Tỏi thuộc họ hành Alliaceae và có tên khoa học là Allium sativum L., củ tỏi có vai trò nổi bật trong số các loại gia vị thực phẩm của con người vì ngoài tác dụng như một loại gia vị nó còn có tác dụng bảo quản thực phẩm và hỗ trợ điều trị một số bệnh nhờ có chứa các hoạt chất sinh học.
Tỏi có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, chữa băng đới, trùng tích, huyết lỵ, tẩy uế, thông khiếu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đầy chướng, đại tiểu tiện khó khăn, tả lỵ. Ngoài ra, tỏi còn có một số tác dụng như kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, chống ung thư, chống oxy hóa, ức chế sự tổng hợp cholesterol làm hạ thấp mức cholesterol trong máu, chống tập hợp tiểu cầu và hoạt tính kháng viêm.
Ảnh: Internet
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Yến Phượng và Huỳnh Nguyễn Duy Bảo thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của điều kiện chiết xuất với sự hỗ trợ siêu âm đến hàm lượng flavonoid tổng số, hàm lượng hợp chất phenol tổng số và hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết từ củ tỏi (Allium sativum L.) dựa vào hoạt tính khử gốc tự do DPPH và tổng năng lực khử.
Củ tỏi (Allium sativum L.) dùng trong nghiên cứu này là tỏi khô được mua trực tiếp tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.Tỏi sau khi mua được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát dùng cho quá trình thí nghiệm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chiết xuất với sự hỗ trợ của sóng siêu âm làm tăng hiệu quả chiết xuất. Loại dung môi, tỷ lệ nguyên liệu/dung môi, thời gian chiết, nhiệt độ chiết có ảnh hưởng đến hàm lượng flavonoid tổng số, hàm lượng hợp chất phenol tổng số và hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết từ củ tỏi. Điều kiện tốt nhất để chiết xuất hoạt chất chống oxy hóa từ củ tỏi là dùng nước cất với tỷ lệ 10 ml/g củ tỏi chiết xuất trong 15 phút ở 30oC, chiết 2 lần.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 3 - 2019