SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu so sánh tính chất cơ lý của sợi nhân tạo visco và tre

[29/05/2020 10:23]

Nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu đánh giá tính chất cơ lý của sợi chi số Ne30/1 từ xơ visco và xơ tre, sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm và xử lý số liệu Excel. Kết quả nghiên cứu cho thấy chi số thực sợi visco nhỏ hơn sợi tre, sợi visco có độ bền kéo đứt cao hơn sợi tre 20%, độ giãn đứt sợi visco lớn hơn sợi tre 6,1%. Độ săn sợi visco nhỏ hơn độ săn sợi tre 7,6%. Sợi visco có độ không đều và điểm mỏng cao hơn sợi tre, điểm dày và kết tạp thấp hơn sợi tre.

Ảnh minh họa: Internet

Xơ visco là xơ rayon thế hệ đầu tiên và được hình thành theo phương pháp kéo sợi ướt trong bể đông tụ, phản ứng hóa học tiến hành từ phía ngoài vào trong thân sợi do đó có sự thay đổi về cấu trúc tinh thể. Mặt cắt ngang của xơ không tròn có nhiều vết lõm sắc nét, thông thường có dạng khía, dọc theo thân là những nếp gấp chạy dài. Xơ visco có độ bền kéo thấp trong điều kiện ướt so với điều kiện khô. Tuy nhiên, xơ visco có độ giãn dài cao trong điều kiện ướt so với điều kiện khô. Visco hấp thụ độ ẩm cao hơn bông. Visco là xenlulô tái sinh có độ trùng hợp thấp hơn so với xenlulô của bông do đó visco phản ứng với hóa chất nhanh hơn so với bông, dễ nhuộm màu hơn bông.

Xơ tre từ cây tre được thu hoạch từ những cánh đồng hoang dã. Cấu trúc hóa học của xơ tre tương tự với cấu trúc của gỗ. Thành phần chính là xenlulô (khoảng 57 - 63%) với hàm lượng α - xenlulô 36 - 41%, lignin (22 - 26%) và penthosan (16 - 21%). Xơ tre có khả năng nhuộm tuyệt vời và có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống tia cực tím, phân hủy sinh học và thoáng khí tốt. Vải được làm từ sợi tre có độ thoáng khí cao trong thời tiết nóng và cũng giúp người mặc ấm hơn trong mùa lạnh, ít nhăn hơn bông và có độ co thấp.

Các tính chất cơ lý của xơ dệt được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, nhưng có rất ít công trình nghiên cứu về các tính chất cơ lý sợi được sản xuất từ các loại xơ nhân tạo này theo các phương pháp kéo sợi. Md. Nakib-Ul-Hasan, Farhana Afroz, Muhammad Mufidul Islam, S.M. Zahirul Islam, Rashedul Hasan nghiên cứu so sánh các tính chất cơ học, độ xoắn, độ xù lông và độ không đều của sợi nồi khuyên và sợi rotor. K. A. Ramasamy, G. Nalankilli & O. L. Shanmugasundaram  nghiên cứu so sánh tính chất cơ lý của sợi bông, sợi tencel và sợi pha bông/tencel với tỉ lệ pha khác nhau. S.S. Lavate và cộng sự nghiên cứu tính chất sợi và vải được sản xuất từ Tencel, Modal và so sánh của chúng với sợi bông. Karina Solorio-Ferrales và cộng sự  nghiên cứu so sánh đặc tính của sợi bông và sợi tre tái sinh trong môi trường ẩm. Tính chất cơ lý của sợi được sản xuất bằng các phương pháp nồi cọc, rotor và sợi Vortex được nghiên cứu trong các công trình.

Nghiên cứu đánh giá tính chất cơ lý của sợi visco và sợi tre chi số Ne30/1 cho thấy:  Chi số thực của sợi visco và sợi tre nhỏ hơn chi số danh nghĩa Ne30, chi số sợi visco bằng 98% chi số danh nghĩa, chi số sợi tre bằng 98,66% chi số danh nghĩa. Sợi visco đạt được độ đều thân sợi cao hơn sợi tre. Độ săn sợi visco nhỏ hơn độ săn sợi tre 7,6% và sợi visco đạt độ đồng đều độ săn cao hơn sợi tre. Với cùng chi số sợi Ne30/1 độ bền kéo đứt sợi visco lớn hơn độ bền kéo đứt sợi tre 20%, độ giãn đứt sợi visco lớn hơn độ giãn đứt sợi tre 6,1%. Mức độ chênh lệch độ không đều khối lượng và mức chênh lệch hệ số biến sai độ không đều khối lượng của sợi visco và sợi tre không nhiều, có thể nói độ không đều khối lượng cơ bản tương đương nhau. Điểm mỏng của sợi visco nhiều gấp đôi so với sợi tre, điểm dày của sợi visco nhỏ hơn so với sợi tre là 37,9%, điểm kết tạp của sợi visco nhỏ hơn điểm kết tạp của sợi tre 71,4%, độ xù lông của sợi visco lớn hơn độ xù lông sợi tre 26,9%.

nnttien

Tạp chí KH&CN - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Số 50/2019 (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ