Đánh giá khả năng chịu hạn của một số giống lúa cạn trong điều kiện nhân tạo
Lúa chịu hạn chiếm tỷ lệ đáng kể trong số các cây lương thực trên thế giới. Tuy sản lượng không đáng kể trong tổng sản lượng lương thực của thế giới, song chúng lại đóng vai trò rất quan trọng và không thể thiếu được trong việc góp phần cung cấp lương thực tại chỗ cho những người dân sống tại nơi khó khăn về giao thông và các điều kiện tự nhiên khác.
Ảnh minh họa
Tổng diện tích lúa cạn trên thế giới khoảng 20,4 triệu ha và phân bố không đều chủ yếu tập trung ở Châu Á, Châu Mỹ La tinh và Châu Phi (Dat T.V, 1986). Tại Việt Nam, cây lúa cạn rất có ưu thế trong việc sử dụng nước trời. Thực tế nhiều năm gieo trồng cho thấy qua các đợt hạn dài hầu hết các cây trồng khác đều thất thu hoặc suy giảm nghiêm trong về năng suất nhưng cây lúa cạn vẫn có khả năng chịu hạn để đến khi có mưa lại tiếp tục sinh trưởng và phát triển, khả năng mất trắng ở lúa cạn ít xảy ra. Theo đó, nghiên cứu đánh giá nguồn gen các giống lúa cạn tại các vùng cao, vùng khô hạn được xem là công việc khởi đầu và cần tiến hành thường xuyên cho những chương trình chọn giống chịu hạn. Thành công của công tác chọn tạo giống phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng của vật liệu thu thập khởi đầu. Do đó, việc đánh giá khả năng chịu hạn của một số giống lúa cạn có khả năng chịu hạn trong điều kiện nhân tạo là công việc rất quan trọng trong công tác chọn tạo giống lúa chịu hạn hiện nay.
Nghiên cứu do Nhóm tác giả gồm: Tạ Hồng Lĩnh (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Phạm Văn Tính , Nguyễn Phi Long (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) nghiên cứu được thực hiện trong vụ Mùa 2018 tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Gia Lộc - Hải Dương).
Vật liệu nghiên cứu:
- 10 mẫu giống lúa cạn địa phương bao gồm: LCTQ-1; Tan nương I; Bắc Kạn; Tẻ mèo; Huyết rồng-QT; Xuân Mai; LCTN; CH16; CH207; CH208 được thu thập và mới được chọn tạo.
- 02 giống được sử dụng làm đối chứng LC93-1 (lúa cạn cải tiến), và giống lúa chịu hạn CH5 hiện đang được trồng phổ biến ở nhiều vùng cao trong cả nước (Đinh Văn Thành, 2004; Trần Nguyên Tháp, 2001).
Phương pháp thí nghiệm:
- Phương pháp xử lý hạt bằng dung dịch Kaliclorate: (i) Giai đoạn nảy mầm (KClO3: 3%): Ngâm hạt giống trong dung dịch KClO3 : 3% trong 48 h. Sau đó, rửa sạch bằng nước trung tính rồi chuyển sang đĩa petri có lót giấy lọc ẩm cho hạt nảy mầm. Dựa vào phần trăm hạt nảy mầm, phần trăm rễ mầm đen hoặc bị héo để đánh giá khả năng chịu hạn; (ii) Giai đoạn cây mạ lúc 3 lá (KClO3 : 1%): Tiến hành gieo hạt trong chậu vại, đến lúc cây được 3 lá thì ngâm rễ mạ vào dung dịch KClO3 : 1% trong 8 h, sau đó quan sát số rễ mạ đen (Comstock JP, 2002).
- Phương pháp bố trí thí nghiệm chậu: Thí nghiệm được bố trí theo kiểu ngẫu nhiên hoàn toàn (CRD), mỗi giống gieo trong 3 chậu (3 lần lặp lại): Gieo hạt cho cây phát triển trong chậu (Gomez, K.A. and Gomez, A, 1984).
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Giống LCTQ-1, Tẻ mèo có khả năng chịu hạn tốt nhất (điểm 1) so với các giống trong cùng điều kiện thí nghiệm, tỷ lệ giảm năng suất tương tự giống đối chứng (LC93-1) và biến động từ 53,9% - 61,6% (giai đoạn trỗ - chín).
- Giống CH16, CH207 có khả năng chịu hạn khá (điểm 3), tỷ lệ giảm năng suất tương tự giống đối chứng (CH5) và biến động từ 62,9% - 70,7% (giai đoạn trỗ - chín).
- Giống lúa Huyết rồng-QT không có khả năng chịu hạn thông qua các chỉ số: cường độ thoát hơi nước (1,32 g/dm2 /h); khả năng chịu hạn (điểm 7) và tỷ lệ giảm năng suất lớn nhất với 89,3% (giai đoạn trỗ - chín) so với các giống trong cùng điều kiện thí nghiệm
Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 3(100)/2019