Xác định tác nhân và hiệu quả phòng trị của một số nông dược đối với bệnh thối thân xì mủ trên cây mít Changai
Nghiên cứu do các tác giả Lê Thanh Toàn, Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Văn Chí Hải,Thái Ngọc Oanh, Phạm Văn Hướng, Đỗ Văn Bảo và Nguyễn Văn Măng thực hiện.
Giống mít Changai còn có cái tên gọi khác nữa là mít Thái siêu sớm tên khoa học là Artocarpus Heterophyllus nguồn gốc xuất xứ Thái Lan giống mít này chỉ cần trồng 1 năm là đã cho trái. Mít Changai có nhiều loại như da xanh, da vàng, múi vàng lợt, vàng sậm.
Ảnh: Internet
Trong thời gian gần đây, bệnh thối thân xì mủ xuất hiện trên giống mít này và có xu hướng phát triển mạnh gây lo lắng cho người nông dân. Ở những cây bị nhiễm bệnh, trên thân cây xuất hiện các giọt nhựa màu trắng, cây chết rất nhanh chỉ sau vài tuần, hiện tượng nứt thân ít khi xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện sau khi cây đã chết.
Thối thân xì mủ trên cây mít Changai là bệnh mới xuất hiện cùng với quá trình tăng nhanh diện tích trồng giống mít này trong vài năm trở lại đây. Hiện nay, chưa có biện pháp phòng trị nào được thực hiện đối với bệnh thối thân xì mủ trên cây mít. Do đó, nghiên cứu đã được thực hiện tại Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ để xác định tác nhân và đánh giá hiệu quả của một số loại nông dược giúp quản lý bệnh thối thân xì mủ trên mít trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới.
Kết quả giám định cho thấy tác nhân gây thối thân xì mủ trên cây mít Changai là vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra. Loài vi khuẩn này có đặc điểm rìa khuẩn lạc trơn láng, màu trắng, nhầy, gram âm, có nhiều chiên mao quanh tế bào, có khả năng sinh khí H2S từ cystein, có khả năng sử dụng acid hữu cơ, sống yếm khí, tạo acid từ hợp chất hữu cơ, lên men và sinh khí từ D-glucose, sinh trưởng trong môi trường NaCl 5%, tạo hợp chất khử từ đường sucrose, phân giải citrate, khử nitrate, hóa lỏng gelatine. Hoạt chất oxolinic acid cho kết quả ức chế tốt với vi khuẩn E. carotovora ở cả liều lượng khuyến cáo và gấp đôi khuyến cáo (L2). Hoạt chất bronopol chỉ cho kết quả ức chế ở liều lượng L2. Vi khuẩn xuất hiện với mật số cao ở cây mít đối chứng và mật số thấp ở cây mít đã xử lý với oxolinic acid và bronopol.
Tạp chí NN&PTNT, Số 18/2019 (nhnhanh)