Đa dạng di truyền ở đậu tương (GLYCINE MAX [L.] MERR).
Nghiên cứu do tác giả Trần Thị Phương Liên đang công tác tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện.
Đậu tương (Glycine max [L.] Merr) ngày nay bắt nguồn từ loài đậu tương hoang dại từ 4-5 nghìn năm trước đây tại Trung Quốc. Qua một thời gian dài, đậu tương đã được đưa đến trồng ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới, biến đổi thích nghi với từng vùng khí hậu địa lý từ Châu Á sang Châu Âu, Châu Phi, Châu Đại dương, Châu Mỹ và đã trở thành một cây trồng cung cấp lương thực quan trọng cho con người. Các giống đậu tương biểu hiện sự đa dạng phong phú về đặc điểm hình thái từ hình dạng cấu trúc của hạt đến hình dạng của từng cơ quan trên cây: lá, hoa, rễ, quả, thân…, về thời gian sinh trưởng; thành phần hóa sinh và chất lượng hạt, cho đến các đặc tính nông sinh học.
Ảnh minh họa: Internet
Đậu tương là cây trồng quan trọng, cây thực phẩm chiến lược có giá trị đối với đời sống con người. Nguồn gen đậu tương được thu thập tìm kiếm và nghiên cứu đa dạng sinh học trên qui mô lớn ở nhiều nước nhằm mục đích đánh giá và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, khai thác nguyên liệu cho việc tạo giống mới có chất lượng cao.
Nghiên cứu đa dạng di truyền các giống đậu tương Việt Nam đã được tiến hành từ Viện Công nghệ sinh học từ năm 1995 dựa trên các mẫu giống được tuyển chọn sơ bộ về các tính trạng hình thái, nông sinh học truyền thống, khả năng chống chịu, chịu hạn tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển đậu đỗ, Trung tâm Tài nguyên thực vật, Trường Đại học Cần Thơ; về khả năng khán bệnh tại Viện Bảo vệ thực vật. Các mẫu giống được tiếp tục nghiên cứu khảo sát về chất lượng hạt thông qua phân tích sự đa dạng thành phần protein và lipid.
Các chỉ thị phân tử ở các mức độ khác nhau từ enzyme đến DNA đã được phát triển và cho thấy sự đa dạng di truyền của các tập đoàn đậu tương trong nước và nhập nội. Đây chính là cơ sở để tuyển chọn các nguyên liệu phù hợp và bảo tồn nguồn gen đậu tương, chọn tạo giống đậu tương để phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, cũng mở ra những cơ hội hợp tác với các nước, nhằm trao đổi nguồn gen và cùng nghiên cứu về tính chống chịu, tính khán bệnh có hiệu quả.
Theo Tạp chí Công nghệ sinh học, Tập 17