Ảnh hưởng của nồng độ NAA và loại cành giâm đến sự ra rễ cành giâm linh sam (Desmodium unifoliatum (Merr.) Steen.)
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Lê Văn Hòa, Mai Văn Trầm, Mai Vũ Duy (Khoa Nông Nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ) và Diệp Thúy Hằng (Sinh viên lớp Công nghệ Rau hoa quả và Cảnh quan Khóa 39, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện.
Cây linh sam (Desmodium unifoliatum (Merr.) Steen.) có nguồn gốc từ châu Á, phân bố ở miền Nam Trung Bộ: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên,... Linh sam là loại cây kiểng được chọn làm cây bonsai và có giá trị kinh tế cao. Để đáp ứng nhu cầu cây giống phát triển nhanh, mau ra hoa và giảm giá thành, phương pháp nhân giống sinh dưỡng là một trong những phương pháp được áp dụng để nhân nhanh số lượng cây giống.
Giâm cành là phương pháp được áp dụng để nhân giống sinh dưỡng cho nhiều loài thực vật từ cây thân thảo đến cây thân gỗ. Nhân giống bằng phương pháp giâm cành không những có tốc độ nhân giống cao, giữ được những ưu thế của cây mẹ, giảm giá thành mà cây con còn phát triển nhanh và mau ra hoa,... Bên cạnh đó, sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng cũng giúp cho việc phát triển cành giâm trong đó có auxin. Các hợp chất auxin như NAA, IBA,… được sử dụng rộng rãi với vai trò kích thích tạo rễ bất định từ cành giâm. Khi xử lý cành giâm bằng NAA sẽ làm tăng phần trăm cành ra rễ,tạo rễ nhanh, số rễ tăng và độ đồng đều cao trên một số cây hồng nhung, thông, tre mỡ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu công bố về số liệu nhân giống cây linh sam bằng phương pháp giâm cành, để việc nhân giống cây linh sam cho hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng linh sam ngày càng tăng của thị trường hoa kiểng và bonsai.
Thí nghiệm được thực hiện nhằm tìm ra nồng độ naphthalene acetic acid (NAA) và loại cành thích hợp đến sự ra rễ của cành giâm cây linh sam (Desmodium unifoliatum (Merr.) Steen.). Thí nghiệm 2 nhân tố được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, 5 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại có 6 cành. Nhân tố thứ nhất bao gồm bốn nồng độ NAA (0 (đối chứng), 500, 750 và 1.000 ppm) (nhân tố A) và nhân tố thứ 2 là hai loại cành giâm (cành nhỏ đường kính 0,5 cm và cành lớn đường kính 1 cm) (nhân tố B).
Hình minh họa: Cây linh sam (Nguồn: internet)
Kết quả thí nghiệm cho thấy loại cành nhỏ với đường kính 0,5 cm giâm cành tốt hơn loại cành lớn đường kính 1 cm. Sử dụng NAA ở nồng độ 750 và 1.000 ppm cho hiệu quả trong giâm cành. Cành giâm cây linh sam sử dụng loai cành nhỏ kết hợp với việc xử lý NAA ở nồng độ 750 và 1.000 ppm cho hiệu quả giâm cành tốt nhất về số lá, số chồi, chiều dài chồi dài nhất, số rễ, chiều dài rễ dài nhất và tỷ lệ ra rễ (93,3 %) sau 8 tuần.
Theo TC Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 2B (2020)