SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của các công thức xử lý khác nhau đến chất lượng hạt giống ngô

[21/06/2020 11:48]

Phần lớn hạt giống ngô lai trên thế giới được xử lý bằng thuốc trừ nấm bệnh hoặc kết hợp thuốc trừ nấm và thuốc trừ sâu trước khi bảo quản. Lợi ích của việc xử lý là: Hạn chế sự lây lan nguồn bệnh; bảo vệ hạt giống tránh sự xâm nhập của côn trùng; tăng tỷ lệ nảy mầm; bảo vệ hạt giống tránh sự thâm nhập của côn trùng trong bảo quản.

Ảnh: Internet

Ngô (Zea mays L.) là cây lương thực quan trọng thứ ba trong nền kinh tế thế giới. Nó đóng vai trò quan trọng trong làm lương thực cho con người, thức ăn cho gia súc bởi là nguồn cung cấp dồi dào tinh bột, protein, chất béo, dầu và đường. Hạt ngô rất giàu vitamin A, C, E, carbohydrate, chất khoáng cần thiết và có chứa khoảng 8 - 10% protein. Ngô có năng suất cao, dễ chế biến và chi phí ít hơn so với các loại cây lương thực khác. Hạt giống là cơ thể sống, nhưng sức sống của hạt giống sẽ giảm dần theo thời gian. Đặc biệt ở các nước vùng nhiệt đới ẩm thì sức sống của hạt giống suy giảm nhanh do quá trình tác động của nhiệt độ, ẩm độ cao cũng như sự phát triển và hoạt động của các loại nấm bệnh và những côn trùng gây hại đối với hạt giống. Với diện tích gieo trồng ngô hàng năm khoảng 1,1 triệu ha, Việt Nam cần khoảng 22.000 - 26.000 tấn hạt ngô giống. Để cung cấp cho sản xuất hạt giống ngô đảm bảo chất lượng thì công tác sản xuất, sấy, chế biến, xử lý và bảo hạt giống cần được thực hiện tốt. Thể chất hạt giống có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng hạt giống ngô. Một lô hạt giống với đầy đủ tiêu chuẩn về tỷ lệ nảy mầm, sức sống, độ thuần nhưng nếu bị nhiễm mầm bệnh, sâu mọt mà không được xử lý thuốc thì lô hạt giống đó sẽ nhanh chóng giảm chất lượng hay thậm trí có thể gây thiệt hại cho nông dân bởi sự lây lan những bệnh dịch đó. Hạt giống bị ảnh hưởng bởi mầm bệnh (nấm, vi khuẩn, virus), sâu mọt trong suốt quá trình sống đặc biệt là từ sau thu hoạch đến khi gieo trồng. Ở Việt Nam với điều kiện nóng ẩm rất phù hợp cho các loại nấm bệnh, sâu mọt phát triển và lây lan trong quá trình bảo quản hạt giống, làm cho hạt giống nhanh chóng giảm chất lượng và mất sức nảy mầm. Vì vậy, việc đầu tư nghiên cứu những hóa chất và công thức xử lý nhằm duy trì chất lượng hạt giống ngô là điều cần thiết.

Nghiên cứu do nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu Ngô thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2018 tại Viện Nghiên cứu Ngô, Đan Phượng - Hà Nội.

Kết quả nghiên cứu cho thấy giữa các công thức xử lý khác nhau cho tỷ lệ nảy mầm và sức sống của hạt giống khác nhau. Sau thời gian 3 tháng bảo quản ở điều kiện thường, tỷ lệ nảy mầm và sức sống của hạt giống giữa các công thức xử lý so với đối chứng (không xử lý) là không đáng kể và tỷ lệ nảy mầm của các công thức sử lý cao hơn so với không xử lý từ 0,7% - 1,5% và chiều dài thân lá dài hơn từ 0,5 - 3,3 cm. Sau thời gian 6 tháng bảo quản ở điều kiện thường cho thấy, trong 7 công thức xử lý khác nhau thì công thức CT4 (Cruiser plus + Thiam-ethoxam + Copper oxychloride) duy trì được tỷ lệ nảy mầm cao hơn công thức CT1 (không xử lý) 5,0% (89,80% so với 94,80%) và CT7 (Polymer + Thiam + ethoxam + Copper oxychloride) cao hơn CT1 (không xử lý) 5,7% (89,80% so với 95,50%).

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 03/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ