So sánh đặc điểm hình thái của cá chốt sọc (mystus mysticetus) ở U Minh Thượng với các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trân, Dương Thúy Yên đang công tác tại Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Những khác biệt về hình dạng, kích thước và cấu trúc các cơ quan của cá thường chịu sự chi phối bởi các yếu tố di truyền và môi trường (Barlow, 1961). Sự đa dạng về hình thái giữa các quần thể cùng loài là kết quả của quá trình thích nghi với các điều kiện môi trường sinh thái khác nhau.
Ảnh minh họa: Internet
Nghiên cứu này nhằm so sánh đặc điểm hình thái của cá chốt sọc phân bố ở U Minh Thượng với các vùng khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mẫu cá được thu ở tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và U Minh Thượng – Kiên Giang (47-70 cá thể/ quần thể). Đặc điểm hình thái gồm chỉ tiêu đếm (số lượng tia, gai ở vi, số lược mang trên cung mang thứ I) và chỉ tiêu sinh trắc (tỉ lệ số đo phần thân và đầu trên chiều dài chuẩn và dài đầu) được phân tích sự khác biệt theo quần thể và giới tính.
Kết quả cho thấy chỉ tiêu đếm tương đương giữa 4 quần thể. Các chỉ tiêu sinh trắc khác biệt có ý nghĩa (P<0,05) giữa các quần thể ở 22/23 chỉ tiêu, trừ khoảng cách trước vi lưng (PDD). Cá đực và cái khác nhau có ý nghĩa ở 9/23 chỉ tiêu, trong đó 5 chỉ tiêu khác biệt rõ trong mùa sinh sản gồm cao thân (BD), khoảng cách trước vi bụng (PVD), khoảng cách trước vi hậu môn (PAD), cao đầu (HD1) và rộng đầu (HW). Kết quả phân tích nhóm có thể xếp chính xác 82,1 đến 88,3% cá thể vào nhóm quần thể ban đầu. Như vậy, cá chốt sọc có sự đa dạng về hình thái theo môi trường sống và giới tính.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 56 (2020)