Đặc điểm dinh dưỡng của cá sửu Nibea soldado (Lacepède, 1802)
Nghiên cứu do tác giả Mai Viết Văn, Trần Đắc Định và Naoki Tojo đang công tác tại Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Hokkaido, Nhật Bản thực hiện.
Cá sửu Nibea soldado (Lacepède, 1802) thuộc họ cá đù (Sciaenidae), bộ cá vược (Perciformes). Trên thế giới, cá sửu phân bố khá rộng ở vùng Ấn Độ-Tây Thái Bình Dương (từ bờ biển Ấn Độ đến phía Đông Sri Lanka kéo dài đến Queensland (Úc) và phía Bắc New Guinea đến Việt Nam (Fröese and Pauly, 2019). Loài cá này cũng được tìm thấy ở lưu vực sông Mekong (Lal Mohan, 1984). Cá sửu là loài có tập tính sống đáy, ăn động vật, thức ăn chủ yếu là cá nhỏ, động vật không xương sống. Cá con xuất hiện ở các cửa sông nước lợ và thường di cư lên các con sông lớn, có môi trường nước đục (Allen, 1991). Đây là loài cá có kích cỡ lớn và có giá trị thương phẩm cao vì có thịt thơm, ngon.
Ảnh minh họa: Internet
Nghiên cứu đặc điểm dinh dưỡng của cá sửu Nibea soldado (Lacepède, 1802) được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019 tại vùng ven biển từ Sóc Trăng đến Cà Mau. Mẫu cá được thu định kỳ hàng tháng bằng tàu lưới kéo đáy (công suất máy tàu 70 CV) với hai nhóm kích cỡ gồm nhóm cá ở giai đoạn sinh trưởng (cá nhỏ có có chiều dài tổng trong khoảng 114-170 mm) và nhóm cá ở giai đoạn sinh sản (cá lớn có chiều dài tổng 209-370 mm).
Kết quả cho thấy cá sửu có miệng rộng, rạch miệng dài, xiên; xương hàm phát triển; lược mang thưa, ngắn và cứng để giữ thức ăn; thực quản ngắn, vách dày, có nhiều nếp gấp; dạ dày hình túi, to, vách dày, mặt trong có nhiều nếp gấp; manh tràng có 8-9 ống với một đầu bịt kín gắn vào ống tiêu hóa ở nơi tiếp giáp giữa dạ dày và ruột; ruột ngắn, vách dày, xếp gấp khúc dạng chữ S. Chỉ số tương quan giữa chiều dài ruột và chiều dài tổng của ruột cá sửu (RLG) <1, cho thấy cá sửu thuộc nhóm ăn động vật. Thành phần thức ăn trong dạ dày cá sửu gồm có ruốc, cua, mực, tôm, tôm tít, cá và mùn bã hữu cơ. Có sự thay đổi về phổ thức ăn của cá sửu ở giai đoạn sinh trưởng (ăn chủ yếu là ruốc và tôm) và giai đoạn sinh sản (ăn chủ yếu là ruốc, tôm và cá).
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 56 (2020)