SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả khảo nghiệm các dòng Lay ơn triển vọng tại một số địa phương

[06/07/2020 14:18]

Trong nghiên cứu này, 3 dòng hoa lay ơn triển vọng (C6, J11 và I9) với năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt được chọn lọc từ hàng trăm dòng hoa lay ơn lai mới. Ưu điểm nổi bật của các dòng hoa lay ơn nói trên là cây sinh trưởng khỏe, khả năng thích ứng rộng, kháng tốt với bệnh khô đầu lá. Các dòng hoa lay ơn C6, J11 và I9 được khảo nghiệm tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang. Kết quả cho thấy cả 3 dòng đều có khả năng sinh trưởng và thích ứng tốt với điệu kiện nơi trồng. Trong đó vượt trội hơn hẳn là 2 dòng lai C6 và J11 (tỷ lệ sống đạt > 98%; chiều cao cây đạt 147,1 - 147,3 cm); năng suất, chất lượng hoa cao (> 13 hoa/cây); hoa có màu sắc đẹp (đỏ vàng và hồng vàng); tỷ lệ nhiễm bệnh khô đầu lá < 5%. Hiện tại các dòng hoa lay ơn trên đang được đưa vào nhân nhanh để phát triển ngoài sản xuất trong thời gian tới.

Hoa lay ơn (Gladiolus communis Lin.) là một trong những loại hoa được trồng nhiều và có nhu cầu sử dụng rất cao ở Việt Nam. Có rất nhiều giống lay ơn nhập từ nước ngoài (Hà Lan, Trung Quốc), đây là các giống màu sắc đẹp, tuy nhiên chất lượng không cao do không phù hợp với điều kiện vùng trồng. Để tạo ra các giống hoa lay ơn mới, màu sắc đẹp, thích nghi được với nhiều vùng sinh thái và với nhiều vụ trồng là mục tiêu của những nhà tạo giống. Trong nhiều năm qua, Viện  Nghiên cứu Rau Quả  đã tiến hành các nghiên cứu về tạo giống hoa lay  ơn, kết quả đã lai tạo và chọn lọc ra hàng trăm dòng hoa lay ơn mới (Bùi Thị Hồng, Nguyễn Thị Hồng Nhung, 2015), năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, trong đó đã đánh giá được 3 dòng C6, J11 và I9 là có triển vọng cao. Ba dòng lay ơn triển vọng (C6, J11 và I9) được tiến hành khảo nghiệm trong nghiên cứu này tại một số địa phương.

  1. Vật liệu nghiên cứu

Nghiên cứu trên 3 dòng lai hoa lay ơn triển vọng I9, C6, J11 và 1 giống lay ơn đỏ 09 làm đối chứng (ĐC). Củ giống trồng khảo nghiệm là củ được nhân từ củ nhỡ của vụ trước, đã được xử lý phá ngủ và bật mầm, có chu vi 10/12 với mầm cao 1,5 - 2 cm.

Phương pháp nghiên cứu

  • Khảo nghiệm sản xuất được bố trí theo kiểu tuần tự không nhắc lại, các điều kiện chăm sóc   củ giống là như nhau. Mỗi dòng/giống là 500 m2/ địa điểm.
  • Theo dõi các chỉ tiêu về sinh trưởng, chất lượng hoa: Mỗi giống theo dõi 30 cây, 10 ngày/lần theo dõi.
  • Phân cấp sâu bệnh hại cây theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng QCVN01-38:2010/BNNPTNT.
  • Mô tả các đặc điểm về hình thái: Dựa theo Quy phạm UPOV (2013) về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của hoa lay ơn.
  • Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu được xử lý theo chương trình Excel và IRRISTAT 5.0.

Thời gian và địa điểm nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 10/2018 đến tháng 1/2019 tại Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang.

Kết quả

khảo nghiệm các dòng hoa lay ơn lai ở các địa phương cho thấy cả 3 dòng vẫn giữ được đặc tính đánh giá ban đầu và đều có khả năng sinh trưởng và thích ứng tốt, trong đó vượt trội hơn hẳn là 2 dòng lai C6 và J11 (tỷ lệ sống đạt > 98%; chiều cao cây đạt 147,1 - 147,3 cm); năng suất, chất lượng hoa cao (> 13 hoa/cây); độ bền hoa cao (> 9,5 ngày); màu sắc hoa đẹp (đỏ vàng, hồng vàng) được thị trường ưa chuộng; tỷ lệ nhiễm bệnh khô đầu lá ở mức <5%.

Các dòng lay ơn trên đang tiếp tục đánh giá, hoàn thiện quy trình nhân giống, để đưa ra công nhận giống và phát triển ngoài sản xuất trong thời gian tới.

Theo Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ