Đánh giá khả năng sinh trưởng và hiệu quả của một số giống cỏ cho chăn nuôi bò sinh sản tại Thạch Thành – Thanh Hóa
Để đáp ứng nhu cầu thức anh thô xanh cho chăn nuôi bò tại Thanh Hóa nói riêng và Bắc Trung bộ nói chung thì công tác chọn tạo các giống cỏ đang được quan tâm. Năm giống cỏ, gồm VA06, Mulato II, Superdan, Paspalum atratum, Ghine TD58 được tiến hành trồng thử nghiệm và đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, năng suất, hiệu quả kinh tế phục vụ chăn nuôi bò sinh sản. Kết quả xác định được giống cỏ phù hợp và hiệu quả nhất đối với chăn nuôi bò nói chung và bò sinh sản nói riêng tại Thanh Hóa là giống VA06 với năng suất đạt 342,12 tấn/ha/năm; chi phí sản xuất thấp, với 197.591 đồng/tấn sản phẩm.
Năm 2017, tổng đàn bò của tỉnh Thanh Hóa đạt trên 250 nghìn con, chiếm gần 30% tổng đàn bò vùng Bắc Trung bộ (Niên giám thống kê Thanh Hóa, 2018). Thanh Hóa cũng là địa phương có điều kiện cho chăn nuôi đại gia súc phát triển. Đàn bò của vùng đang từng bước được Zebu hóa, nhu cầu thức ăn xanh ngày càng được các hộ chăn nuôi bò quan tâm do diện tích đồng cỏ ít, không cung cấp đủ thức ăn xanh cho đàn bò. Vì vậy, lựa chọn các giống cỏ làm thức ăn cho con lai là điều cần được quan tâm. Hiện nay, bên cạnh các cây thức ăn truyền thống như phụ phẩm nông nghiệp (ngô, mía, rơm rạ,..) thì đã có những giống cỏ có giá trị dinh dưỡng cao, trong đó có protein đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của con lai.
Từ những nhu cầu thực tiễn nêu trên, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã tiến hành thử nghiệm và đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, năng suất, hiệu quả kinh tế của một số giống cỏ phục vụ chăn nuôi bò sinh sản, từ đó xác định được giống cỏ phù hợp và hiệu quả nhất đối với chăn nuôi bò nói chung và bò sinh sản nói riêng tại Thanh Hóa. Đây là cơ sở cho việc khuyến cáo cho các hộ dân trong vùng phát triển các giống cỏ phục vụ thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc nói chung và cho chăn nuôi bò nói riêng tại Vùng.
Vật liệu nghiên cứu
Vật liệu nghiên cứu gồm 5 giống cỏ: VA 06 (đối chứng), Ghine TD-58, Superdan, Mulato II, Paspalum atratum.
Phương pháp nghiên cứu
Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ - RCB (Nguyễn Thị Lan, Phạm Tiến Dũng, 2006). Mỗi giống thí nghiệm được trồng riêng rẽ trong 1 ô và được lặp lại 3 lần, tổng số ô thí nghiệm là 15 ô. Diện tích mỗi ô thí nghiệm là 30 m2, trên tổng diện diện tích thí nghiệm là 450 m2 (bao gồm các hàng bảo vệ). Hạt giống cỏ hoà thảo được gieo với khoảng cách hàng cách hàng 40 cm, cây cách cây 20 - 25 cm trên tổng mật độ 10.000 - 12.500 cây/ha, riêng cỏ VA06 được trồng bằng hom. Phân bón (tính cho 1 ha): 10 tấn phân chuồng + 700 kg Ure + 400 kg Lân Văn Điển +300 kg Kali. Bón lót 100% Lân + 100% phân chuồng, bón thúc phân đạm và phân Kali, chia đều cho các lứa cắt trong năm và bón sau khi cắt lứa trước từ 6 - 9 ngày (khi xới xáo sạch cỏ dại).
Chỉ tiêu theo dõi: Khả năng sinh trưởng phát triển của các giống cỏ, năng suất các lứa cắt; hiệu quả sản xuất các giống cỏ.
Phương pháp xử lý số liệu: Sử dụng phương pháp so sánh cặp đôi và phần mềm IRRISTAT 5.0.
Thời gian và địa điểm nghiên cứu
Thí nghiệm được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 12 năm 2018 tại xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
Kết luận
Cả 5 giống cỏ trong thử nghiệm đều sinh trưởng và phát triển tốt ở xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, trong đó giống VA06 có khả năng sinh trưởng tốt nhất.
Năng suất chất xanh của các giống cỏ thí nghiệm theo mùa dao động từ 163,21 - 342,12 tấn/ha. Trong đó, hai giống VA 06, Mualto II với năng suất là 342,12 tấn/ha/năm và 225,07 tấn/ha/năm. Năng suất thấp nhất là giống Superdan chỉ đạt 163,21 tấn/ha/năm, tiếp đến là giống Ghine TD58 đạt 199,12 tấn/ha/năm, giống Paspalum atratum đạt 206,84 tấn/ha/năm.
Chi phí để sản xuất 1 tấn cỏ VA06 thấp nhất, là 197.591 đồng/tấn sản phẩm. Đây là giống triển vọng có năng suất, hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc tại địa phương.
Theo Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 5/2019