SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

[22/07/2020 16:00]

Nghiên cứu tiến hành nhằm đánh giá sự tham gia của người dân trong hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Ảnh minh họa: Internet

Mô hình phát triển du lịch sinh thái là một trong những giải pháp giúp giảm áp lực cho các vườn quốc gia, các khu bảo tồn, là một công cụ giúp cho quản lý rừng bền vững. Theo đó, du lịch sinh thái là một trong những cơ hội mới để tạo thu nhập từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không phá hủy môi trường (Neth, 2008) và theo nghiên cứu của Isaac (2012) tại Sirigu, Ghana cho thấy hoạt động du lịch sinh thái như là một phương tiện để nâng cao sinh kế của người dân.

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (VQGBNB) nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Lạc Dương và một phần nhỏ xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Toàn bộ các xã đều nằm ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, có diện tích lớn và dân cư thưa thớt. Là khu vực sinh sống của 5.067 hộ (26.028 người) chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số và có sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp (83,4%). Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực tăng lên do năng suất nông nghiệp rất thấp và đất canh tác hạn chế cho mỗi hộ gia đình. Do đó, người dân sống trong và xung quanh VQGBNB bắt buộc phải chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác đe dọa đến đa dạng sinh học của VQGBNB. Mô hình phát triển du lịch sinh thái (DLST) dựa vào cộng đồng đã được áp dụng tại VQGBNB từ năm 2011 đến nay và việc đánh giá sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch là một khâu quan trọng nhằm tìm ra những mặt còn hạn chế, kịp thời khắc phục sửa chữa tăng cường tính bền vững cho hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ tham gia của người dân trong hoạt động du lịch vẫn còn thấp, thụ động theo sự điều phối của Ban Quản lý vườn. Sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch phụ thuộc vào hai yếu tố chính là niềm vui mong muốn trao đổi văn hóa với du khách và độ tuổi của người tham gia.

Kết quả việc đánh giá thái độ của cộng đồng đối với phát triển du lịch là rất tích cực, những người tham gia du lịch có sự cảm nhận tích cực hơn những người không tham gia du lịch, người dân nhận thức tích cực lợi ích du lịch mang lại về mặt văn hóa - xã hội - môi trường và bảo tồn, còn về mặt kinh tế thì lợi ích được tạo ra chưa cao. Sự hạn chế tham gia của người dân chủ yếu do thu nhập mang lại từ du lịch còn rất thấp. Do đó, giải pháp quan trọng nhất cần thực hiện là Ban Quản lý vườn cần thu hút khách du lịch mang lại nguồn thu nhập. Các nghiên cứu trong tương lai cần theo dõi những thay đổi trong địa phương và đánh giá lại thái độ, nhận thức của người dân có được duy trì, du lịch có thể phát triển bền vững trong cộng đồng này hay không.

nnttien

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ