SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả sản xuất thử giống mía LK92-11 tại vùng Tây Nam bộ

[27/07/2020 16:02]

Giống mía LK92-11 đã được công nhận cho sản xuất thử tại vùng Tây Nam bộ theo quyết định số 135/QĐ-BNN-TT, ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Ảnh: Internet

Trong những năm gần đây, giá đường xuống thấp do ảnh hưởng của thị trường thế giới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng và ngày càng gay gắt, đặc biệt là các vùng Tây Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Vì vậy, sản xuất mía mang lại hiệu quả không cao, làm ảnh hưởng đến đời sống của người trồng mía. Theo báo cáo tổng kết mía đường vụ 2017 - 2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích mía cả nước đạt 274.300 ha, tăng 6.000 ha so với vụ 2016 - 2017, năng suất đạt 65,1 tấn/ha, chữ đường bình quân cả nước 9,62 CCS tương đương vụ trước. Vụ mía 2017 - 2018, Tây Nam bộ có diện tích 40.082 ha, giảm gần 19.000 ha so với vụ 2013 - 2014 và giảm 16.118 ha so với vụ 2014 - 2015, năng suất 86,5 tấn/ha và tỷ lệ tiêu hao lớn 11,11 mía/đường (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2014, 2015 và 2018). Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các giống mía sản xuất của vùng thuộc nhóm chín trung bình đến muộn, nên đầu vụ thu hoạch mía chưa đủ tuổi (chữ đường thấp), thiếu giống mía chín sớm hoặc trung bình sớm,... làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng mía nguyên liệu. Điều này dẫn đến hiệu quả của sản xuất và chế biến thấp, diện tích mía ngày càng giảm, nguy cơ thiếu hụt mía nguyên liệu trong vụ tới là rất cao. Để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu của vùng, bổ sung giống mía chín trung bình sớm vào cơ cấu giống của vùng, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cho phép sản xuất thử giống mía LK92-11 tại vùng Tây Nam bộ theo Quyết định số 135/QĐ-TT-CCN, ngày 12/01/2017.

Nghiễn cứu do các tác giả của Viện Nghiên cứu Mía đường thực hiện từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018 với tổng diện tích 214ha tại các địa điểm sau:

- Huyện Bến Lức, tỉnh Long An, quy mô 141,0 ha.

- Huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, quy mô 48,0 ha.

- Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, quy mô 25,0 ha.

Kết quả sản xuất thử giống mía LK92-11 tại vùng Tây Nam bộ trong năm 2017 và năm 2018 cho thấy đây là giống mía tốt, có nhiều ưu điểm như sinh trưởng, phát triển mạnh, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, không hoặc ít bị đổ ngã, không trỗ cờ, mật độ cây cao, có năng suất cao, chất lượng tốt, chín trung bình sớm. Năng suất giống mía LK92-11 đạt từ 112 tấn/ha đến 132 tấn/ha, vượt giống đối chứng K84-200 từ 15 đến 24%, chất lượng tốt, chữ đường đạt từ 11,52 đến 12,45 CCS. Năng suất quy 10 CCS đạt từ 133 đến 155 tấn/ha, vượt đối chứng trên 24%.

ltnhuong

Tạp chí Khoa hoc Công nghệ Nông nghiểp Viểt Nam - Số 4/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ