SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả tuyển chọn giống Alfalfa AF1

[27/07/2020 16:18]

Cây Alfalfa hay còn gọi là cây linh lăng (Medicago sativa L.) đã được bắt đầu trồng thử nghiệm ở nước ta từ những năm 60 song kết quả chưa được khả quan.

Ảnh: Internet

Tổng diện tích trồng Alfalfa trên thế giới năm 2016 khoảng 30 triệu ha trong đó Bắc Mỹ chiếm 41% (11,9 triệu ha); châu Âu 25% (7.120.000 ha); Nam Mỹ 23% (7.000.000 ha); châu Á 8% (2,23 triệu ha). Hoa Kỳ là nước có diện tích lớn nhất trên thế giới với 9 triệu ha, kế đến là Argentina với 6,9 triệu ha, Canada 2 triệu ha, Nga 1,8 triệu ha, Ý 1,3 triệu ha và Trung Quốc 1,3 triệu ha. Thị trường cỏ linh lăng hoặc cỏ khô toàn cầu trị giá 799,9 triệu USD trong năm 2016 và dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng CAGR là 4,9% trong giai đoạn 2018-2023 (NAFA, 2017). Tại Trung Quốc đã thu thập được 80 giống Alfalfa địa phương. Từ năm 1986 đến năm 2000 đã có 36 giống được công nhận, trong đó có 17 địa phương (Alfalfa Management Guide for Ningxia-China, 2007). Mỹ là nước tạo ra nhiều giống Alfalfa nhất, danh sách hàng trăm giống Alfalfa của Liên minh Alfalfa và thức ăn chăn nuôi Hoa Kỳ đã đưa ra với đầy đủ các đặc tính về di truyền, khả năng chống chịu sâu bệnh, khả năng qua đông và khả năng phát triển trong mùa thu (NAFA, 2017). Cây Alfalfa nhập vào Việt Nam từ năm 1954, được trồng thử nghiệm ở phía Nam (Nguyễn Văn Tuyền, 1973) và tại vùng đất đồi gò Ba Vì, Hà Nội (Đinh Văn Bình và ctv., 1980), nhưng việc trồng không cho kết quả khả quan (Thái Đình Dũng và Đặng Đình Liệu, 1979; Nguyễn Thị Mùi, 2009). Ngược lại, cây Alfalfa có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt khi trồng vào mùa khô tại thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù cây Alfalfa được trồng thí nghiệm chưa thành công tại Việt Nam trong thời gian qua, nhưng trong bối cảnh nguồn thức ăn thô xanh chất lượng cao hiện còn hạn chế thì Alfalfa nhập nội lượng lớn vẫn được sử dụng nhiều trong khẩu phần ăn của bò sữa, đặc biệt là bò sữa cao sản và bò thịt vỗ béo. Do vậy, việc nghiên cứu tuyển chọn giống thích hợp là cần thiết và cấp bách.

Nghiên cứu do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện. Thí nghiệm đánh giá khả năng sinh trưởng, năng suất của các giống triển vọng ở các vùng sinh thái được thực hiện tại các tỉnh: Hà Nội, Nghệ An, Sơn La, Bình Định, Đồng Nai trong thời gian từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 12 năm 2017. Xây dựng mô hình sản xuất trong thời gian từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 11 năm 2018 tại các tỉnh: Hải Dương, Đồng Nai, Thanh Hoá và Nghệ An.

Qua nghiên cứu đã tuyển chọn được 6 giống Alfalfa có triển vọng là: V35, V39, V41, V47, V48, V49, công nhận cấp cơ sở giống AF1 và được Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & PTNT khuyến cáo mở rộng sản xuất. Giống Alfalfa AF1 có dạng cây bụi, thân và các cành nhánh mọc thẳng, có màu xanh. Lá của cây là lá kép có 3 lá chét, màu xanh đậm, hình bầu dục với mặt trên mịn, mặt dưới hơi có lông. Hoa màu tím nhạt, mỗi cành/ thân chính có từ 6 - 7 chùm hoa, mỗi chùm có từ 5 - 25 hoa. Quả xoắn cuộn hình vành khuyên, chứa 2 - 6 hạt, quả non có màu xanh, chín có màu nâu. Giống AF1 cho năng suất cao hơn các giống khác có ý nghĩa. AF1 có năng suất chất xanh đạt cao nhất là 81,58 tấn/ha/năm, hàm lượng Protein 23,5%, hàm lượng chất xơ 25,2%, tỷ lệ chất khô 20,0%. Tại các mô hình trình diễn giống AF1 sinh trưởng phát triển khá tốt, ít sâu bệnh. Tổng năng suất chất xanh 6 lần cắt dao động 62,21 tấn đến 78,04 tấn; tổng năng suất khô dao động từ 15,37 tấn đến 18,14 tấn.

ltnhuong

Tạp chí Khoa hoc Công nghệ Nông nghiểp Viểt Nam - Số 4/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ