Đánh giá hiệu quả kỹ thuật - tài chính của nghề lưới kéo và lưới rê (20-90 cv) ở tỉnh Kiên Giang
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 10/2018 tại thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Kiên Hải, huyện Phú Quốc và Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Ảnh: Internet
Kiên Giang là tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có sản lượng khai thác thủy sản (KTTS) là 533.300 tấn (2016), là tỉnh có sản lượng KTTS cao nhất và chiếm 39,4% sản lượng khai KTTS ở ĐBSCL (Tổng cục Thống kê, 2017). Trong tất cả các nghề KTTS ở tỉnh Kiên Giang thì nghề lưới kéo và nghề lưới rê là hai nghề quan trọng, có số lượng tàu và sản lượng khai thác lớn. Nghề lưới rê chiếm 33,5% và nghề lưới kéo chiếm 31,9% tổng số tàu KTTS của tỉnh Kiên Giang. Nghề KTTS ở tỉnh Kiên Giang đang gặp phải những khó khăn và thách thức lớn như nguồn lợi vùng ven biển tuyến lộng ngày càng cạn kiệt, các vi phạm trong hoạt động KTTS vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu hoạt động của các nghề KTTS ở tuyến lộng (vùng biển cách bờ biển 6 hải lý đến đường nối các điểm cách bờ biển 24 hải lý). Chính vì vậy, nghiên cứu hiệu quả kỹ thuật và tài chính của nghề lưới kéo và lưới rê ở tỉnh Kiên Giang đã được thực hiện nhằm góp phần cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc quản lý và phát triển nghề KTTS vùng này ổn định.
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 10/2018 tại thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Kiên Hải, huyện Phú Quốc và Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, do hai tác giả Nguyễn Thanh Long (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) và Lê Duy Lam (Học viên cao học Quản lý nguồn lợi thủy sản, Khóa 24) tiến hành.
Kết quả nghiên cứu hiệu quả kỹ thuật - tài chính của nghề lưới kéo và lưới rê được thực hiện từ tháng 5 - 10/2018 ở tỉnh Kiên Giang cho thấy nghề lưới kéo và nghề lưới rê là hai loại nghề có số lượng tàu và sản lượng khai thác nhiều nhất. Mùa vụ khai thác là quanh năm và tập trung nhiều từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau (lưới kéo) và từ tháng 4 - 8 (lưới rê). Công suất tàu lưới kéo (47,95 CV) lớn hơn tàu lưới rê (25,62 CV). Sản lượng và tỉ lệ cá tạp của nghề lưới kéo (41,4 tấn/năm; 24,13%) cao hơn nghề lưới rê (3,1 tấn/năm; 16,7%). Lợi nhuận của tàu lưới kéo (368 triệu đồng/năm) cao hơn nghề lưới rê (149 triệu đồng/năm), nhưng tỉ suất lợi nhuận của nghề lưới kéo (0,69 lần) thấp hơn tàu lưới rê (0,79 lần).
ltnhuong
Tạp chí Khoa hoc Công nghệ Nông nghiểp Viểt Nam - Số 4/2019