SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật trồng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var fuscidicus K. Komatsu, S. Zhu & S.Q. Cai) tại Lai Châu

[31/07/2020 09:45]

Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidicus) là loài cây thuốc quý hiếm với thành phần saponin phong phú và có giá trị kinh tế cao của Việt Nam. Việc nghiên cứu để tìm ra được các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc có ý nghĩa thực tiễn trong bảo tồn và phát triển loài sâm quý hiếm này.

Ảnh minh họa: Internet

Sâm Lai Châu (P. Vietnamensis var. fuscidiscus K. Komatsu, S. Zhu & S.Q. Cai) là một thứ (bậc phân loại dưới loài) của sâm Ngọc Linh, còn được gọi là Tam thất hoang Mường Tè, Tam thất đen... Theo Sách Đỏ Việt Nam (2007) đây là nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Chúng có vùng phân bố hẹp, được tìm thấy ở độ cao 1.400-2.200 m trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận (Mường Tè và Tây Sìn Hồ, giáp biên giới với Trung Quốc) và dãy núi Pu Sam Cáp nằm giữa các huyện Sìn Hồ và Tam Đường với thành phố Lai Châu, nhiệt độ từ trung bình từ 18-20°C. Sâm Lai Châu là loài cây thuốc quý hiếm, bị đe doạ tuyệt chủng ở mức độ trầm trọng (CR) theo các điều khoản A2a, c, d; B2b (ii, iii, v); C2a (i); E (Tiêu chuẩn IUCN, 2010; Phan Kế Long & cs., 2013). Theo kết quả phân tích công bố (Đỗ Thị Hà, 2016), củ sâm Lai Châu có thành phần saponin phong phú với 52 loại hoạt chất quý hiếm tương tự như sâm Ngọc Linh. Các kết quả định lượng bằng phương pháp cân cho thấy hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu sâm Lai Châu đạt khoảng 20%, kết quả định lượng saponin tổng số của sâm Lai Châu và tăng dần khi tăng số tuổi, đồng thời mẫu thu được ở tự nhiên có hàm lượng saponin tổng số (trung bình khoảng 23%) cao hơn mẫu trồng (trung bình khoảng 18,47%), các kết qủa này có giá trị hàm lượng tương đương với kết quả công bố của Sâm Ngọc Linh (Đỗ Thị Hà & cs., 2016). Sâm Lai Châu có tác dụng tốt lên hệ thần kinh trung ương, tăng cường sinh lực, tăng khả năng thích ứng, kích thích miễn dịch, kháng u và chống oxy hóa. Kết quả điều tra cho thấy sâm Lai Châu có giá 20- 70 triệu đồng mỗi kilogam củ (Phạm Quang Tuyến & cs., 2016).

Mặc dù là loài cây thuốc quý hiếm, có giá trị kinh tế, giá trị phòng bệnh và bồi bổ sức khoẻ cao, nhưng công tác bảo tồn và phát triển trồng quy mô hàng hoá chưa thực hiện được. Hiện nay, nghiên cứu về loài sâm Lai Châu chưa nhiều, các công bố mới dừng lại ở đặc điểm sinh vật học, sinh thái học và chưa có công bố nghiên cứu về quy trình trồng, chăm sóc cây sâm Lai Châu. Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của thời vụ, mật độ, độ che sáng và độ cao vùng trồng đến khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất của củ sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus K. Komatsu, S. Zhu & S.Q. Cai) để từ đó đề xuất được các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc tốt nhất, đem hiệu quả kinh tế cao nhất cho cây sâm Lai Châu.

Từ kết quả theo dõi các chỉ tiêu đánh giá về năng suất, chất lượng sau 4 năm trồng (cây đạt 6 tuổi) tác giả đã xác định một số biện pháp kỹ thuật trồng cây sâm Lai Châu như sau: Thời điểm trồng ngày 15/9 cho tỷ lệ cây sống đạt 80,24%, đường kính củ đạt 2,88 cm, năng suất cá thể (28,13 g/cây). Tại độ cao 2.000 m là thích hợp nhất để trồng sâm Lai Châu, cho kết quả đo đường kính tán đạt 34,23 cm, năng suất củ cao nhất đạt 32,67 g/cây. Khoảng cách trồng thích hợp nhất là 30×30 cm, cho kết qủa đo đường kính củ đạt 2,32 cm năng suất cá thể đạt 27,86 g/cây. Độ che sáng thích hợp nhất là 90%, cho chiều cao cây đạt 33,82 cm; đường kính tán đạt 36,27; năng suất cá thể đạt 31,13 g/cây.

nnttien

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 7/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ