SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu giảm thiểu Asen bằng biện pháp bón vôi kết hợp vật liệu hữu cơ trên cây đậu nành và cây ngô trồng tại tỉnh An Giang

[14/08/2020 08:45]

Nghiên cứu giảm thiểu Asen (As) bằng biện pháp bón vôi kết hợp vật liệu hữu cơ trên cây đậu nành và cây ngô trồng trên đê bao tại tỉnh An Giang được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của bón vôi kết hợp tro trấu (03 tấn/ha) lên sự hấp thu As trên cây đậu nành và ảnh hưởng của bón vôi kết hợp mùn cưa (02 tấn/ha) lên sự hấp thu As trên cây ngô.

Ảnh minh họa: Internet

Ô nhiễm Asen (As) trong nước ngầm và hậu quả của nó cùng các biện pháp khắc phục đã được tập trung nghiên cứu từ năm 1990. Các nghiên cứu về mức độ sử dụng nước ngầm bị ô nhiễm As cho tưới tiêu và hậu quả của As trong lương thực, thực phẩm đã được nghiên cứu bởi Dittmar et al. Việc sử dụng lâu dài nước ô nhiễm As để tưới tiêu làm cho hàm lượng As trong đất nông nghiệp tăng dần. Do tình hình bao đê đất nông nghiệp tại huyện An Phú, tỉnh An Giang nên việc sử dụng nguồn nước sông của người dân bị hạn chế, người nông dân bắt buộc phải sử dụng nước giếng khoan bị nhiễm As để tưới cho cây trồng, hàm lượng trung bình As trong đất trồng là 7,89 mg/kg.

Những tác động bất lợi của As đến sức khỏe và cây trồng tiếp xúc qua ô nhiễm chuỗi thức ăn cũng được nghiên cứu bởi Williams et al. Do đó, sự hiểu biết và áp dụng các biện pháp giảm thiểu As ô nhiễm trong nông sản do sử dụng nước giếng khoan để tưới tiêu là cần thiết. Bài viết Nghiên cứu giảm thiểu Asen bằng biện pháp bón vôi kết hợp vật liệu hữu cơ trên cây đậu nành và cây ngô trồng tại tỉnh An Giang được nghiên cứu thực tế ngoài đồng ruộng về biện pháp bón vôi kết hợp tro trấu và mùn cưa để giảm thiểu hàm lượng As trên cây đậu nành và cây ngô.

Việc bón vôi kết hợp với chất hữu cơ (tro trấu, mùn cưa) đã làm tăng độ pH H2O trong đất trồng đậu nành, tăng độ pH H2O và hàm lượng As trong đất trồng ngô. Bón vôi kết hợp tro trấu (3 tấn/ha) làm hàm lượng As trong rễ (0,836 mg/kg), thân lá (0,83 mg/kg) và hạt (0,06 mg/kg) thấp hơn nghiệm thức đối chứng lần lượt là 33,1%, 32,5% và 45,5%. Bón vôi kết hợp mùn cưa (2 tấn/ha) làm hàm lượng As trong thân lá (95,3 mg/kg) và hạt (6,33 mg/kg) thấp hơn nghiệm thức đối chứng lần lượt là 31,9% và 49,4%. Như vậy, việc bón thêm vôi kết hợp với vật liệu hữu cơ giúp làm giảm hàm lượng As trong cây.

nnttien

Tạp chí KH trường ĐH Trà Vinh, số 37, tháng 3/2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ