SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu hoạt tính sinh học của rau dền cơm (Amaranthus lividus L.) thu hái tại tỉnh Gia Lai

[14/08/2020 08:54]

Rau dền cơm là loại thực vật phổ biến ở tỉnh Gia Lai, có tác dụng chống ung thư, chống oxi hóa và kháng khuẩn. Nghiên cứu trình bày kết quả thử nghiệm hoạt tính sinh học của rau dền cơm (Amaranthus lividus L.) thu hái tại tỉnh Gia Lai.

Ảnh minh họa: Internet

Song song với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tình trạng mắc bệnh ung thư ngày càng diễn biến phức tạp. Các nhà khoa học hiện đang tìm kiếm các nguồn dược phẩm có nguồn gốc thực vật có khả năng đẩy lùi chứng bệnh ung thư. Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới gió mùa nên phong phú về thực vật, có nhiều loài được sử dụng trong y học cổ truyền. Rau dền là tên gọi chung các loài chi dền, mọc hoang dại nhiều và dễ tìm kiếm. Theo các tài liệu được công bố, thành phần lá rau dền cơm (Amaranthus viridis L.) chứa 84,5% nước, 3,4% protein, 1,4% gluxit, 1,6% xenlulozo; ngoài ra, 100 g lá dền cơm có chứa 63 mg vitamin C, 10,5 mg caroten, 0,36 mg vitamin B2, 1,3 mg vitamin PP.

Amaranthus viridis L. được thấy ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, từ đồng bằng tới vùng núi ở độ cao 1.000 m. Hơn nữa, các hợp chất có hoạt tính sinh học được tìm thấy từ thiên nhiên có thể dùng trực tiếp trong y học. Amaranthus viridis L. còn được sử dụng để điều trị táo bón, viêm nhiễm, các bệnh mụn nhọt ở da, thiếu máu. Đây là loại rau phổ biến ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, rau có thể thu hái quanh năm, rửa sạch, phơi khô và sử dụng cả rễ, thân, lá. Các nghiên cứu về sinh học và dược lí hiện đại cho thấy rễ, thân, lá cây rau dền có chứa các vitamin, các hợp chất steroids, saponin, flavonoids, lipid. Đây là chủ đề nghiên cứu của nhiều tác giả, tuy nhiên, hiện tại chúng ta chưa có công trình nghiên cứu về hoạt tính sinh học trong cao chiết của rau dền cơm trên địa bàn đặc thù vùng Tây Nguyên như ở tỉnh Gia Lai. Do đó, đề tài “Nghiên cứu hoạt tính sinh học của rau dền cơm (Amaranthus lividus L.) thu hái tại tỉnh Gia Lai” có ý nghĩa thực tiễn. Mục tiêu nghiên cứu nhằm khảo sát và so sánh hoạt tính sinh học (kháng tế bào ung thư gan, kháng khuẩn và kháng oxi hóa) trong các loại cao chiết MeOH, n-hexan, EtOAc từ rau dền cơm.

Nghiên cứu tiến hành thử các hoạt tính sinh học chỉ ra rằng, hoạt tính gây độc tế bào ung thư gan: cao chiết EtOAc có hoạt tính kháng tế bào ung thư rất mạnh (IC50 là 8,0 µg/ml), cao chiết n-hexan có hoạt tính kháng tế bào ung thư mạnh (IC50 là 11,2 µg/ml), riêng cao chiết MeOH chưa thấy có hoạt tính kháng tế bào ung thư gan tại nồng độ nghiên cứu. Kết quả hoạt tính kháng khuẩn đối với cao chiết MeOH và n-hexan không thể hiện hoạt tính ức chế vi sinh vật kiểm định ở nồng độ thấp hơn hoặc bằng 256 µg/ml. Cao chiết EtOAc có thể hiện hoạt tính ức chế nhẹ với các chủng vi sinh vật gram (+) (IC50 là 244,4 µg/ml) và không thể hiện hoạt tính với các chủng kiểm định khác. Ngoài ra, với hoạt tính kháng oxi hóa, các loại cao chiết này chưa có kết quả thể hiện rõ.

Như vậy, cao chiết từ Amaranthus lividus L. (n-hexan và EtOAc) có hoạt tính sinh học quý là kháng tế bào ung thư gan và kháng khuẩn nhẹ (đối với cao chiết EtOAc). Việc thử hoạt tính sinh học trong các loại cao chiết từ Amaranthus lividus L. cho thấy chúng có ho ạt tính kháng tế bào ung thư gan (đối với cao chiết n-hexan và EtOAc). Do đó, chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn nữa để tạo chế phẩm có khả năng chữa bệnh như ung thư gan.

nnttien

Tạp chí KH trường ĐH Trà Vinh, số 36, tháng 12/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ